(VOV5) - GDP 9 tháng từ đầu năm 2018 của Việt Nam tăng 6,98%.
Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 22/10, GDP 9 tháng từ đầu năm 2018 của Việt Nam tăng 6,98%.
Đây là mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ của gần 10 năm qua. Tại các phiên thảo luận của Quốc hội, các đại biểu bày tỏ sự phấn khởi về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua và tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Đa số các ý kiến của các đại biểu quốc hội đều cho rằng tốc độ tăng trưởng năm 2016- 2018 đạt cao hơn giai đoạn 2010 – 2015. Với kết quả đạt được của năm bản lề 2018, tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016 - 2018 phát triển đúng hướng. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Những thành tựu đó cho thấy những tín hiệu khả quan để kinh tế Việt Nam đạt được các mục tiêu trong năm 2018 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng toàn diện và đúng hướng
Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kinh tế Việt Nam trong 3 năm của giai đoạn 2016-2020 là tích cực và đúng hướng. Kết quả phát triển kinh tế trong 9 tháng qua của năm 2018 rất toàn diện, GDP 9 tháng tăng 6,98%. Trong đó, cả 3 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Ông Nguyễn Hữu Đức, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho biết: "Tôi cho rằng tăng trưởng GDP năm 2018 của đất nước đạt 6,98%... là một thành tích lớn cho thấy công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua rất hiệu quả. Không chỉ là tăng trưởng 6,98% mà chỉ số giá tiêu dung cũng dưới 4%, thấp hơn so với Nghị quyết của Quốc hội giao. Tôi cho rằng đây là một điều rất tốt và việc ổn định được kinh tế vĩ mô, ổn định được lạm phát thì kinh tế đất nước từ nay đến cuối năm và năm 2019 sẽ rất khả quan".
Theo tính toán của các chuyên gia, GDP ba tháng cuối năm chỉ cần tăng khoảng 6,1% so với cùng kỳ, thì kinh tế Việt Nam sẽ đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%. Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng: "Các yếu tố bên ngoài và bên trong đất nước năm nay đã thuận lợi hơn đã tạo nên yếu tố tổng hợp, sức mạnh tổng hợp mang lại kết quả chung về kinh tế-xã hội. Từ 2011 đến nay, đây là năm là mức tăng trưởng đạt cao và toàn diện ở tất cả các chỉ tiêu. Chưa có năm nào nhưng trong 10 năm gần đây mà đất nước giành được những thắng lợi toàn diện như vậy. Bình thường tăng trưởng từ 6,5-7% thì trụ cốt chính vẫn phải là công nghiệp thì năm nay nông nghiệp lại đóng góp một phần rất lớn. Tôi cho rằng kết thúc năm 2018 nông nghiệp sẽ đóng góp trên 3,5% GDP".
Nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020
Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội cho thấy kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 cơ bản thuận lợi. Năm 2018, Việt Nam có thể hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội Quốc hội giao. Trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Điều này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra là 6,7%. Ông Cao Đình Thưởng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Với tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… kinh tế-xã hội của Việt Nam sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020: "Mong muốn của chúng tôi là tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và Việt Nam không tăng trưởng bằng mọi giá mà phải tăng trưởng bền vững. Với tình hình hiện nay, cùng những giải pháp của Chính phủ thì tăng trưởng của đất nước sẽ đạt 6,7-6,8%, thậm chí cao hơn nữa, đây cũng là tiền đề cho những năm tiếp theo và cả nhiệm kỳ. Vấn đề chúng tôi quan tâm thì nhiều những chúng tôi chú ý đến phát triển kinh tế vĩ mô, nợ công và đầu tư trung hạn. Nếu chúng ta giữ vững và theo đúng kế hoạch thì sẽ đạt được. Do vẫn còn một số yếu tố bên ngoài tác động nên Chính phủ cần có những biện pháp tích cực hơn nữa trong thời gian tới".
Trên cơ sở những kết quả giữa nhiệm kỳ đã thực hiện, các đại biểu tin tưởng kinh tế - xã hội trong nước sẽ đạt được các mục tiêu của năm nay và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.