(VOV5) - Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.
Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời khẳng định những thành tựu kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2019 là tích cực, toàn diện.
Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 1/11
|
Tại phiên thảo luận diễn ra trong 3 ngày, từ 30/10 – 1/11, các đại biểu Quốc hội cho rằng mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp, xung đột của khu vực và thế giới, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp hơn so với năm 2018, những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh nhưng năm 2019 tiếp tục là năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Kinh tế Việt Nam mức ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP ước đạt 6,8%, vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu đề ra. Năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc.
Kinh tế - xã hội phát triển tích cực và toàn diện
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát dưới 3% GDP; thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng gấp hai lần so với đầu nhiệm kỳ. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, cân đối ngân sách được bảo đảm, tỷ lệ bội chi và nợ công so GDP giảm. Cán cân thương mại giữ được nhịp tăng trưởng cao, xuất siêu năm thứ tư liên tiếp...
Ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng kết quả tích cực trên đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. "Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đó là thành quả rất quan trọng và không dễ dàng" - ông Lộc nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
|
Những kết quả đạt mà kinh tế đất nước đạt được là tín hiệu đáng mừng, quan trọng, góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề vững mạnh cho kỳ phát triển mới. Ông Nguyễn Thanh Hiền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh: "Năm 2019 đánh dấu bằng những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, với sự chuyển biến thực chất hơn trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đặc biệt là sự chuyển biến về tình hình kinh tế - xã hội không chỉ dừng lại ở những con số tăng trưởng liên tục, mà quan trọng hơn là sự phát triển đồng đều, toàn diện của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong cả nước. Đạt được những kết quả đó, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao cùng với những đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo tính khoa học và cụ thể, tập trung tháo gỡ những khó khăn, từng bước đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước".
Tiếp tục cải cách, phát triển nền kinh tế ổn định, bền vững
Những thành quả đạt được đã khẳng định rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, trước những diễn biến không thuận của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới, một trong những nội dung quan trọng là cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Trần Hoàng Ngân: "Thứ nhất, tiếp tục dành nguồn lực cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp đồng bộ và ổn định. Cần có sự khởi động sớm cho việc xây dựng thể chế có liên quan đến sự phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, đến kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý có hiệu quả và hỗ trợ cho sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo. Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và triển khai có hiệu quả các tài sản trí tuệ do người Việt Nam tạo ra trên thế giới và tiếp tục hoàn thiện thể chế vùng giúp cho các tỉnh trong vùng liên kết với nhau, hỗ trợ nhau phát triển".
Ngoài việc thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Đại biểu Nguyễn Như So, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, đề nghị: "Nhà nước, Chính phủ, có cơ chế, chính sách để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Theo tôi cần phải có sự đột phá về chính sách nhằm xóa bỏ rào cản, phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế. Nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ, từ can thiệp, hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực; hỗ trợ đất đai, nguồn vốn tín dụng; đạo tạo nhân lực, liên kết các thành phần kinh tế… thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân tăng trưởng xứng với tiềm năng".
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp trong công tác điều hành của Chính phủ như: linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… để nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.