Kuwait biến động do tham nhũng

(VOV) Lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc biểu tình lớn nhất đã diễn ra ở Quốc vương vùng Vịnh Kuwait vào tối 28/11 vừa qua. Khoảng 90.000 người đã đổ xuống đường nhân sự kiện chính phủ từ chức. Cuộc biểu tình này diễn ra theo lời kêu gọi của phe đối lập với những biểu ngữ kêu gọi giải tán quốc hội. Vậy là sóng gió lại nổi lên ở một quốc gia khác trong khu vực vốn rất nóng là Trung Đông với những cuộc biểu tình, lật đổ và can thiệp…

Nếu như những thay đổi chính quyền ở nhiều quốc gia khác trong khu vực bắt nguồn từ rất nhiều những lý do , từ sự phản kháng của người dân về một chính thể kéo dài quá lâu, quá độc đoán đến sự can thiệp từ bên ngoài … thì ở Kuwait sự “nổi dậy” bắt nguồn từ những cáo buộc tham nhũng đối với Chính phủ và chính Thủ tướng Nasser Mohammad al-Ahmad Al-Sabah. Vị Thủ tướng này nắm quyền chưa lâu và Chính phủ của ông cũng không bền vững gì khi chỉ trong 5 năm nhiệm kỳ của ông thì đã  phải cải tổ tới 7 lần.

Cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử diễn ra hôm 28/11 sau khi cả Chính phủ Kuwait và Thủ tướng Nasser Al-Sabah đã đệ đơn từ chức lên Quốc vương Sabah Al-Ahmad Al-Sabah do liên quan tới cáo buộc tham nhũng. Và đơn từ chức này cũng đã được Quốc vương Al-Saba chấp thuận. Thế nhưng lý do để cuộc biểu tình được tổ chức với quy mô lớn nhất trong lịch sử ấy lại là do đám đông người biểu tình cho rằng việc chính phủ từ chức là chưa đủ, Quốc hội cũng cần phải giải tán và cần phải đưa ra xét xử những nghị sỹ liên quan đến tham nhũng. Và người mà các nghị sỹ và lực lượng đối lập “tập trung mũi nhọn” phản đối là Thủ tướng Nasser với cáo buộc Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng và dịch vụ xuống cấp, khiến quốc gia vùng Vịnh này rơi vào khủng hoảng chính trị. Sự phản đối ấy là có cơ sở khi nhìn vào những diễn biến trên chính trường Kuwait trong nhiệm kỳ cầm quyền không lâu của  vị Thủ tướng 71 tuổi này. Ông này liên tục bị phe đối lập chỉ trích, khiến phải nộp đơn từ chức tới 7 lần và phải trải qua 3 lần bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Thế nhưng cuối cùng ông vẫn lại trụ lại được trên chiếc ghế Thủ tướng và tiếp tục điều hành những Chính phủ đã thay đổi. Những tuần gần đây, Thủ tướng Kuwait Sheikh Nasser đối mặt với cáo buộc tham nhũng gia tăng.  Phe đối lập  cáo buộc ông liên quan đến các vụ hối lộ  các thành viên quốc hội ủng hộ chính phủ và những người này có thể đã chuyển tiền ra các tài khoản ở nước ngoài. Chính Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait đã phải từ chức hồi tháng 10 vừa qua, sau các cáo buộc có nhiều vụ chuyển tiền được thực hiện qua bộ của ông.

Mặc dù ít có dấu hiệu cho thấy các diễn biến hiện nay sẽ ảnh hưởng đến hệ thống chính trị ở Kuwait, nơi Quốc vương cầm quyền cùng với quốc hội nắm phần lớn quyền hành so với các thể chế khác. Song, những diễn biến này đang có nguy cơ khoét sâu thêm căng thẳng giữa các đảng đối lập từ các phe Hồi giáo đến những người tự do đang gây sức ép để cải cách chính phủ. Đặc biệt, ở thời điểm khá nhạy cảm hiện nay  khi Mỹ đang xem xét đưa thêm hàng nghìn binh lính tới đây bổ sung cho lực lượng 29.000 lính Mỹ đang đóng ở Kuwait,  sau khi rút quân khỏi Iraq vào cuối năm nay. Và như vậy, sau khi chấp nhận để chính phủ từ chức, Quốc vương Kuwait Sabah Al Ahmed Al Sabah sẽ còn phải đối mặt với một thách thức nữa , đó là đòi hỏi giải tán Quốc hội của những người biểu tình nhằm sớm bầu ra một Quốc hội mới có thể sớm ổn định lại đất nước../.

                                                                                                                                          (Điệp Anh)

Các tin/bài khác