(VOV5) - Ngày 10/6, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Việt Nam tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ. Đây là sinh hoạt chính trị quan trọng, là bước tiến mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội đồng thời đề cao ý thức trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội trong việc chọn người hiền tài cho đất nước.
Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, giúp họ nhận thấy được mức độ tín nhiệm để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình. Theo ông Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, việc làm này rất quan trọng trong đời sống chính trị của nước nhà: “Trong Hiến pháp 1992 và trong Luật giám sát năm 2003 quy định Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu , phê chuẩn nhưng thực tiễn chưa thực hiện được. Lần này trên cơ sở Nghị quyết TW 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng có mở ra hình thức lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở Nghị quyết 35 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tôi thấy hoạt động lần này hết sức có ý nghĩa. Đây thực ra là hoạt động giám sát của Quốc hội, đòi hỏi mỗi đại biểu phải thể hiện hết vai trò trách nhiệm của mình trước cử tri cả nước để xem xét khách quan nhằm đánh giá cán bộ, để những người có ưu điểm thì tiếp tục phát huy và nếu có nhược điểm thì khắc phục. Trách nhiệm chính trị đặt lên vai các đại biểu hết sức nặng nề.”
Lấy phiếu tín nhiệm là việc lần đầu tiên Quốc hội tiến hành nên được chuẩn bị nghiêm túc, thận trọng, tuân thủ quy trình, thủ tục chặt chẽ. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng ta làm quy trình này. Lấy phiếu tín nhiệm khách quan và công tâm là vấn đề chúng tôi rất quan tâm. Quốc hội có gửi yêu cầu tới các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo giải trình về kết quả công tác, về đạo đức, tác phong của mình. Bản này đã gửi tới các đại biểu Quốc hội trước 20 ngày theo quy trình của Nghị quyết số 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Ngoài báo cáo, các đại biểu cũng căn cứ vào kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát về các lĩnh vực mà các vị được lấy phiếu tín nhiệm lần này phụ trách. Ngoài ra đại biểu dựa trên kết quả thực tiễn công tác và ý kiến nhân dân.”
Cùng với sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng, từng vị đại biểu Quốc hội cũng chủ động nghiên cứu để thực hiện trọng trách của người đại diện cho cử tri cả nước. Ông Dương Hoàng Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Đại biểu Quốc hội đã nhận được khá nhiều thông tin, có thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp như Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, bản thân những người sẽ được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm và do chính các đại biểu Quốc hội thu thập. Bản thân tôi cũng thu thập từ các nguồn thông tin khác nhau. Tôi sẽ cố gắng thể hiện trách nhiệm của mình để phân tích, chắt lọc các thông tin nhằm có đánh giá khách quan nhất, trung thực công tâm đối với mỗi đại biểu.”
Lấy phiếu tín nhiệm không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn mà còn đáp ứng sự mong đợi của cử tri. Bà Trần Hồng Thắm, đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ, chia sẻ: “Kỳ lấy phiếu này là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện nên sự quan tâm của cử tri là rất lớn và rất kỳ vọng. Tôi nghĩ rằng sự kỳ vọng đó không phải là áp lực dành cho kỳ lấy phiếu và cho những người được lấy phiếu mà đó là cơ hội để cho các vị được lấy phiếu nhìn lại sự tín nhiệm của nhân dân thông qua các đại biểu Quốc hội về những kết quả mình đạt được trong thời gian vừa qua, để có sự điều chỉnh trong thời gian tới.”
Việc lần đầu tiên sau hơn 60 năm thành lập, Quốc hội Việt Nam tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn mở ra một chương mới trong hoạt động nghị trường, đồng thời cho thấy quyết tâm của Nhà nước trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực, uy tín./.