(VOV5) - Lần này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tăng thêm 3 người so với lần lấy phiếu trước.
Sáng mai, 15/11,các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam thay mặt cử tri cả nước thực hiện nhiệm vụ này. Việc lấy phiếu tín nhiệm là sinh hoạt chính trị quan trọng, thể hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội trong công tác nhân sự đồng thời giúp người được lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu, nâng cao trách nhiệm trong lĩnh vực mình quản lý.
Lần này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tăng thêm 3 người so với lần lấy phiếu trước ( Bộ trưởng Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước và Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội) vì các chức danh đều đã đủ thời gian công tác theo quy định. (đủ 2 năm của nhiệm kỳ công tác)
Chuẩn bị kỹ các công đoạn cho việc lấy phiếu
Rút kinh nghiệm lần lấy phiếu trước, Ban công tác đại biểu đã thành lập những nhóm giúp việc chuẩn bị các tài liệu liên quan để phục vụ cho đại biểu, cho Ban kiểm phiếu để đảm bảo khoa học, chính xác.
|
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Nhằm tạo sự thống nhất trong việc chuẩn bị tài liệu, Ban công tác đại biểu kịp thời hướng dẫn rõ bố cục của báo cáo, trong đó đề cập tới phần thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, phần tự rèn luyện, tự kiểm điểm của người được lấy phiếu. Thứ hai là mục kê khai tài sản. Đây là quy định mới. Lần lấy phiếu trước chưa có vì phải đến tháng 7/2013, Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân mới được ban hành. Trong Nghị định này có quy định kê khai tài sản phục vụ cho việc lấy phiếu tín nhiệm. Bản kê khai tài sản này đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội. Cùng với sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng, từng vị đại biểu Quốc hội cũng chủ động nghiên cứu để thực hiện trọng trách của người đại diện cho cử tri cả nước. Bà Võ Thị Dung, phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi tài liệu đến các đại biểu Quốc hội sớm, trước khi kỳ họp thứ 8 diễn ra. Các nội dung báo cáo của các vị được lấy phiếu tín nhiệm cũng được chuẩn bị khá kỹ càng và đạt mong muốn của đại biểu. Ngoài ra, đại biểu cũng tiếp cận những kênh khác nhau để nắm bắt thêm thông tin về các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm ví dụ như qua ý kiến cử tri, thông qua các kỳ giám sát của Quốc hội, đặc biệt là khoảng thời gian từ đầu khóa Quốc hội đến giờ cũng đủ để tạo điều kiện cho đại biểu đánh giá được lĩnh vực,trách nhiệm của từng người được thực hiện như thế nào.
Cân nhắc toàn diện khi xác nhận mức độ tín nhiệm
Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, giúp họ nhận thấy được mức độ tín nhiệm để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình. Thực tế cho thấy lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIII đã tạo ra những chuyển biến nhất định. Theo ông Trương Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, lần lấy phiếu tín nhiệm trước, có Bộ trưởng, Trưởng ngành nhận mức tín nhiệm thấp nhưng thời gian qua, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sự cố gắng của các Bộ trưởng, Trưởng ngành này đã được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá cao. Bà Võ Thị Dung, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: Trường hợp nổi trội ví dụ như trong lĩnh vực ngân hàng, tuy chưa phải là đã hết khó khăn nhưng rõ ràng là điều hành của Thống đốc vừa qua đã giữ được ổn định chính sách tiền tệ. Hay Bộ giao thông vận tải, trách nhiêm và sự quyết liệt của Bộ trưởng khi giải quyết những tồn tại cúa ngành mình trong thời gian qua là dấu hiệu rất đáng mừng.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đánh giá: Lấy phiếu tín nhiệm là một trong những nội dung giám sát rất hiệu quả đối với các cán bộ lãnh đạo ở các cấp. Đây là hình thức giám sát rất có tác dụng vì tôi thấy từ lần lấy phiếu tín nhiệm trước, tuy mức độ khác nhau nhưng các vị đều có chuyển biến, đều nhìn lại những khiếm khuyết có thể do khách quan, có thể do chủ quan trong lãnh đạo ngành mình và đã nỗ lực điều chỉnh. Điều đó rất tốt, cử tri cũng chỉ mong rằng các vị sửa những khiếm khuyết để ngành phát triển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, điều thuận lợi trong đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này là thời gian qua, các chức danh chủ chốt đã có nhiều trải nghiệm qua thực tế, thể hiện qua việc làm của mình để các đại biểu nhìn nhận, xem xét đánh giá.Thực tế cũng cho thấy công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp của đất nước đều có chuyển biến tích cực. Do đó, nhiệm vụ đặt ra với từng đại biểu là cân nhắc toàn diện khi cầm bút ghi vào lá phiếu xác nhận mức độ tín nhiệm. Đề cập vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Bỏ phiếu lần này không chỉ làm ở Quốc hội mà theo chủ trương của Đảng sẽ tiến hành ở các ngành, các cấp. Tuy nhiên bỏ phiếu tại Quốc hội là bỏ phiếu đầu tiên trong năm nay cho nên rất hệ trọng. Ngoài ra, những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là những chức danh được Quốc hội tin tưởng. Do tính chất hệ trọng như vậy nên đồng bào, cử tri cả nước đặt niềm tin ở từng vị đại biểu Quốc hội. Vì vậy yêu cầu rất chặt chẽ là phải tiến hành thận trọng, khách quan, công tâm. Do vậy lá phiếu đánh giá phải chính xác.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII (tháng 6/2013), lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trước gần 500 đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói việc thả lá phiếu vào thùng thì rất đơn giản nhưng ý nghĩa của công việc này thì rất lớn. Trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, cử tri hy vọng với ý thức trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, Quốc hội sẽ hoàn thành tốt trọng trách trước Nhân dân, trước Đảng và Nhà nước bằng những lá phiếu đánh giá công tâm, khách quan, chính xác./.