Liên hợp quốc trong nỗ lực cải tổ sau 72 năm hoạt động

(VOV5) - Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, giảm bớt thủ tục hành chính, tập trung vào kết quả và lấy con người làm trung tâm là định hướng cải tổ Liên hợp quốc.

Hội nghị về cải tổ Liên hợp quốc ngày 18/9 đã mở đầu cho Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 72, diễn ra tại New York (Mỹ). Hơn 120 quốc gia đã ký tuyên bố chính trị ủng hộ nỗ lực cải cách Liên Hợp Quốc của Tổng Thư ký Antonio Guterres. Điều này cho thấy vấn đề cải tổ ở tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới này là đòi hỏi bức thiết của bản thân Liên hợp quốc, cũng như của cộng đồng quốc tế.

Liên hợp quốc trong nỗ lực cải tổ sau 72 năm hoạt động - ảnh 1

Toàn cảnh khóa họp thứ 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc

 


Hội nghị về cải tổ Liên hợp quốc (LHQ) có sự tham gia của đại diện 193 nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là một trong những chủ đề quốc tế nóng được đưa ra thảo luận trong khuôn khổ kỳ họp thứ 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc, bên cạnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, biến đổi khí hậu hay cuộc chiến chống khủng bố.

Cải tổ Liên hợp quốc: câu chuyện không mới

Vấn đề cải tổ Liên hợp quốc được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, công cuộc cải tổ diễn ra một cách chậm chạp với những bước đi thận trọng. Tháng 9-2000, Liên hợp quốc họp Hội nghị Cấp cao Thiên niên kỷ và thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ, trong đó đề ra những mục tiêu ưu tiên của Liên hợp quốc trong thế kỷ mới, kể cả các mục tiêu về cải tổ nhằm tăng cường vai trò, hiệu quả và dân chủ hóa Liên hợp quốc. 3 năm sau, trong Báo cáo về tình hình thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan khi đó đã quyết định thành lập một Nhóm nghiên cứu và khuyến nghị các biện pháp ứng phó với các thách thức về hòa bình - an ninh, cũng như cải tổ Liên hợp quốc. Tiếp sau đó, trong Thông điệp ngày 26/5/2005, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hợp quốc, ông Kofi Annan lại kêu gọi các nhà lãnh đạo của các nước thành viên có những quyết định nghiêm túc, mạnh mẽ để cải cách tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới này. Người kế nhiệm ông Kifi Annan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng xác định việc cải tổ Liên hợp quốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình. Trong bài phát biểu hồi đầu năm 2017, trên cương vị mới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng "Liên hợp quốc cần phải cải tổ để bảo vệ những giá trị khai sáng của mình". Theo ông Guterres, Liên hợp quốc cần phải chú trọng nhiều hơn đến quá trình thực thi và rút ngắn thời gian lên kế hoạch, chú trọng nhiều hơn đến con người và giảm bớt những thủ tục quan liêu.

Vấn đề cải tổ Liên hợp quốc xuất phát từ thực tế rằng Liên hợp quốc từ 51 quốc gia ban đầu giờ đã có 193 quốc gia thành viên cùng hợp tác và cạnh tranh. Ngoài việc dân số đã tăng gấp 3 lần, thế giới trong thế kỷ 21 còn chứng kiến sức mạnh giữa các quốc gia thay đổi đáng kể, nhiều trung tâm quyền lực mới nổi lên, những nền kinh tế mới với một hệ thống đa cực bắt đầu xuất hiện. Trong khi đó, những mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố và tội phạm mạng dường như đang vượt quá khả năng đối phó của từng quốc gia, số các cuộc xung đột vũ trang trên toàn cầu ngày một gia tăng... Trong những năm gần đây Liên hợp quốc chưa phát huy hết tiềm năng do tình trạng quan liêu và yếu kém trong quản lý. Ngân sách hàng năm của Liên hợp quốc tăng 140%, số lượng nhân viên tăng gấp hơn hai lần so với năm 2000 nhưng hiệu quả hoạt động lại không tương xứng.

Đưa ra những bước đi cụ thể

Là quốc gia chủ trì hội nghị về cải tổ Liên hợp quốc, ngày 18/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cần hướng tới một Liên hợp quốc giành lại được niềm tin của người dân trên toàn thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Liên hợp quốc cần phải áp đặt trách nhiệm cho mọi cấp quản lý, bảo vệ những người dám tố giác hoạt động sai trái và tập trung vào kết quả chứ không phải là quy trình. Trong khi đó, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, giảm bớt thủ tục hành chính, tập trung vào kết quả và lấy con người làm trung tâm là định hướng cải tổ Liên hợp quốc. Người đứng đầu tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới nhấn mạnh rằng Liên Hợp Quốc phải nhanh nhạy, linh hoạt và hiệu quả. Hiện nay, Liên hợp quốc đã bắt đầu các kế hoạch cải tổ trong các lĩnh vực đảm bảo bình đẳng giới trong bộ máy Liên hợp quốc; củng cố các cơ cấu chống khủng bố; chấm dứt tình trạng binh sĩ gìn giữ hòa bình lạm dụng tình dục. Ngoài ra, hệ thống phát triển của Liên hợp quốc cũng đang được cải tổ để có tính tập trung hơn, phối hợp tốt hơn với các quốc gia thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2020. Tuy nhiên để thúc đẩy được tiến trình cải tổ cơ chế hoạt động của Liên hợp quốc, chỉ có quyết tâm chính trị thôi là chưa đủ. Vì vậy, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia cùng nhau thúc đẩy chương trình cải cách toàn diện và táo bạo để tăng cường hiệu quả của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, theo giới phân tích, nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc cũng sẽ gặp không ít thách thức khi tình trạng chia rẽ sâu sắc trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như quy định việc Tổng thư ký lẫn Ban Thư ký Liên hợp quốc không có vai trò kiến tạo chính sách độc lập nào. Ngoài ra chưa kể đến việc có thể Liên hợp quốc phải đối mặt với khó khăn về tài chính khi Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của Liên hợp quốc,chỉ trích Liên hợp quốc hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng của tổ chức này.

Ra đời từ năm 1945 sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, hơn 70 năm qua, Liên hợp quốc đã có nhiều cống hiến trong việc thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình, an ninh, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nhân loại. Nhưng trước những biến đổi không ngừng của tình hình thế giới, để thực thi hiệu quả hơn mục đích, tôn chỉ của mình, Liên hợp quốc cũng cần phải được cải tổ một cách toàn diện. Đây là đòi hỏi bức thiết của bản thân Liên hợp quốc, cũng như của cộng đồng quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác