Năm 2011, với phương châm là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng tại các diễn đàn đa phương, trong đó nổi bật là diễn đàn LHQ. Không chỉ tranh thủ được sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn kinh nghiệm phục vụ cho quá trình phát triển đất nước mà qua diễn đàn này, Việt Nam còn khẳng định chính sách nhất quán của mình là đề cao vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết khác biệt, các tranh chấp về chủ quyền.
Có thể nói, LHQ là diễn đàn toàn cầu, là diễn đàn lớn nhất, có sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới và hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống quốc tế, từ an ninh chính trị, đến kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật…, có tác động đến đời sống quốc tế và của từng nước.
Năm qua, nét mới trong hợp tác của LHQ là sự chuyển đổi chính sách của các nước. Trong bối cảnh các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bất ổn ở Bắc Phi, Trung Đông…, vai trò của LHQ thể hiện rõ nét hơn và được các nước coi trọng hơn. Đối với Việt Nam, LHQ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai việc thực hiện đường lối đối ngoại hội nhập quốc tế. Đại sứ VN tại LHQ Lê Hoài Trung cho biết: “LHQ vừa là một tổ chức quốc tế toàn cầu, vừa là nơi có sự tham gia của tất cả các nước, trong đó có các nước lớn, các nhóm nước lớn, đồng thời là có sự tham gia của hàng nghìn các tổ chức phi chính phủ. Rõ ràng đó là nơi để VN thúc đẩy được quan hệ với nhiều đối tác, thực hiện đường lối đối ngoại toàn diện của mình”.
Không chỉ đảm nhiệm chức năng chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, LHQ cũng là đầu mối để thực hiện các chương trình về chính sách phát triển, cả về kinh tế và xã hội. LHQ có 2 hệ thống lớn liên quan đến chương trình phát triển, một là các quỹ và chương trình phát triển LHQ như UNDP, UNICEF…
Ngoài ra còn có các tổ chức chuyên môn về bưu chính viễn thông, du lịch, văn hóa…, thường xuyên đưa ra những khuyến nghị về chính sách, về kinh nghiệm của các nước. Bởi vậy, thông qua các tổ chức này, Việt Nam tranh thủ được kinh nghiệm, khoa học công nghệ, đồng thời tranh thủ được nguồn vốn hỗ trợ cho quá trình phát triển.
Mặc dù với nguồn vốn không lớn, song hỗ trợ của LHQ tập trung vào nhiều lĩnh vực xã hội quan trọng và tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam trong các vấn đề như chính sách kinh tế, an ninh lương thực, bảo vệ chăm sóc sức khỏe, môi trường và biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, lao động và an sinh xã hội... Đại sứ Lê Hoài Trung cho biết thêm: “Năm nay các chương trình LHQ về cơ bản đã thông qua chương trình viện trợ cho VN trong 5 năm tới trị giá khoảng 3 triệu USD. Nhưng đó chỉ là một phần thôi mà quan trọng hơn là hỗ trợ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực cho VN. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cũng thuộc hệ thống LHQ và trong bối cảnh hiện nay VN đang mong muốn phát triển điện hạt nhân, ứng dụng công nghệ năng lượng hạt nhân hòa bình thì VN có thể hợp tác với cơ quan này”.
Đối với vấn đề dân chủ, nhân quyền, diễn đàn LHQ cũng là nơi để VN thể hiện quan điểm, chính sách của mình. Năm qua, VN tích cực hợp tác tốt với cơ chế nhân quyền LHQ và đang chuẩn bị cho việc tham gia ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ khóa 2013-2016. Phó vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế-Bộ ngoại giao VN Hoàng Chí Trung khẳng định: “Trong thời gian qua, VN cũng tham gia 3 khóa họp của Hội đồng nhân quyền, đón chuyên gia độc lập LHQ về tác động của nợ nước ngoài đối với các quyền con người, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền sức khỏe. Chúng ta đã tiến hành đối thoại nhân quyền với các nước như Úc, Thụy Sĩ… hàng năm tiến hành đối thoại với 5 đối tác này. Qua đó làm cho họ hiểu rõ hơn chính sách của VN, đổi mới của VN trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người”.
Bên cạnh đó, thông qua những cơ chế giải quyết tranh chấp tại LHQ như Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, cơ chế Công ước luật biển, Ban thư ký của phong trào không liên kết…, Việt Nam nêu được quan điểm, chính sách nhất quán của mình trong việc giải quyết những tranh chấp, khác biệt giữa VN với các nước, giúp cộng đồng quốc tế hiểu, ủng hộ lập trường chính nghĩa của VN. Đại sứ Lê Hoài Trung cho rằng: “Đối với vấn đề biển Đông cũng như các vấn đề tranh chấp khác, chúng ta đề cao chủ trương giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Đây là nơi để ta cùng với TQ, cùng các nước trong khu vực để thúc đẩy xu hướng coi trọng công ước luật biển, luật pháp quốc tế trong việc giải quyết khác biệt, thúc đẩy hợp tác trên biển Đông, an ninh hàng hải, chống tội phạm và nhiều lĩnh vực khác”.
Hiện, VN cùng LHQ đã xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch chung hợp tác VN-LHQ giai đoạn 2012-2016, làm khuôn khổ hợp tác chung cho tất cả các tổ chức LHQ tại VN. Kế hoạch chung này tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, phù hợp với các định hướng lớn của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2015.
VN cũng đang tích cực phối hợp với LHQ để xây dựng “Một ngôi nhà chung LHQ” thân thiện với môi trường, làm trụ sở làm việc chung cho tất cả các tổ chức LHQ tại VN. Năm 2012, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam hợp tác tích cực với LHQ, qua đó thiết thực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.
Ánh Huyền