Lời Tuyên thệ và quyết tâm hành động

(VOV5) -  Dấu ấn đáng nhớ trong công tác nhân sự những ngày qua là lần đầu tiên những người được bầu vào các chức danh đứng đầu các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp tuyên thệ trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước.


Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đang trong ngày làm việc cuối cùng, trước khi khép lại nhiệm kỳ 5 năm vào ngày mai 12/4. Đến thời điểm này có thể nói Quốc hội đã hoàn thành công tác nhân sự với việc hoàn thiện các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Một bộ máy lãnh đạo mới, năng động được kỳ vọng sẽ tận dụng những lợi thế mới, cùng toàn dân tạo ra bước chuyển mạnh mẽ cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.


Lời Tuyên thệ và quyết tâm hành động - ảnh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi tuyên thệ nhậm chức



Trong khoảng 10 ngày dành cho công tác nhân sự, chiếm gần một nửa thời gian của kỳ họp thứ 11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt, trong đó có Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm 3 Phó thủ tướng cùng 18 Bộ trưởng để kiện toàn nội các.  

Từ lời Tuyên thệ   

Dấu ấn đáng nhớ trong công tác nhân sự những ngày qua là lần đầu tiên những người được bầu vào các chức danh đứng đầu các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp tuyên thệ trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước. Đó là lời thề thiêng liêng khẳng định trách nhiệm và nghĩa vụ của những người được nhân dân ủy thác thực hiện quyền quản lý, điều hành đất nước, cam kết trung thành tuyệt đối với Hiến pháp, với Nhân dân và Tổ quốc, tôn trọng tối đa lợi ích quốc gia dân tộc. Lễ nhậm chức với lời Tuyên thệ long trọng của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với việc ủy thác quyền lực của mình, bảo đảm rằng quyền lực Nhà nước phải được sử dụng đúng đắn vì lợi ích quốc gia dân tộc. Những lời Tuyên thệ không chỉ là nghi thức mà là sự cam kết về trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội, trước nhân dân, tạo cơ sở quan trọng cho nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Khi nguyên thủ quốc gia và các vị đứng đầu cơ quan thực thi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tuyên thệ còn làm cho tính tối cao của Hiến pháp được đảm bảo. Ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng: “Ý nghĩa của tuyên thệ theo chúng tôi là rất quan trọng. Nó cho thấy các chức danh đó là rất quan trọng và những người được giao nhiệm vụ Tuyên thệ phải thể hiện được sự thiêng liêng, phải luôn nhắc nhở mình thực hiện công việc theo đúng lời Tuyên thệ. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa”.

Đến quyết tâm hành động

Phát biểu trước Quốc hội sau khi Tuyên thệ, các vị lãnh đạo cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều chỉ rõ những nhiệm vụ sẽ tập trung thực hiện trên cương vị mới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ bà sẽ cùng với Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết sẽ làm hết sức mình để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chủ động tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ nỗ lực xây dựng Chính phủ vững mạnh, hành động quyết liệt, tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp nối quyết tâm hành động của các vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, nhiều chức danh được Quốc hội phê chuẩn sau đó cũng thể hiện sự nhập cuộc với trọng trách mới. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: “Tôi sẽ cùng với các thành viên khác của Chính phủ tập trung triển khai những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo; đầu tư cho giáo dục, y tế và nguồn nhân lực để có những biến chuyển rõ nét về kinh tế-xã hội ở khu vực đồng bào dân tộc, miền núi, nhất là khu vực ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Duyên hải miền Trung”. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Trong giai đoạn còn lại của năm 2016, tôi sẽ cùng với tập thể lãnh đạo Bộ Công Thương tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để đạt được những mục tiêu tăng trưởng như chỉ tiêu đã đặt ra trước Quốc hội. Trong đó, các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phải đạt bằng được để góp vào sự phát triển chung của xã hội”.

Đất nước đang đứng trước thời kỳ phát triển mới với mục tiêu và nhiệm vụ mới. Việc đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhận thức rõ nhiệm vụ cũng như quyết tâm mang lại những thành tựu to lớn hơn nữa cho sự phát triển của đất nước là tiền đề quan trọng, giúp Việt Nam gặt hái nhiều thành công trên con đường xây dựng , bảo vệ Tổ quốc.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác