(VOV5) - Ngày 30/3, trong khuôn khổ Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra phiên họp của Ủy ban dân chủ về nhân quyền. Tại đây, các nghị sĩ IPU thông qua Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong mối quan hệ về chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác và quyền con người”. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thế giới đang có nhiều diển biến phức tạp.
|
Ảnh minh họa: tienphong.vn |
Dự thảo Nghị quyết "Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người" đã được đưa ra thảo luận tại Đại hội đồng IPU-131, trong đó khẳng định chủ quyền của các quốc gia là cơ sở cho hợp tác quốc tế và là nhân tố quan trọng của sự ổn định. Quy định pháp luật, hòa bình và an ninh, quyền con người và phát triển bền vững có liên quan chặt chẽ và củng cố lẫn nhau.
Dự thảo Nghị quyết cũng nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong việc tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào giữa chủng tộc, sắc tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay trạng thái khác...
Những thách thức đang nổi lên
Trong những năm gần đây, tình hình thể giới có nhiều diễn biến phức tạp. Trên nhiều diễn đàn song phương, đa phương, hầu hết các quốc gia đều chia sẻ nhận thức chung rằng hòa bình, ổn định là tiền đề quan trọng và nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững. Thế nhưng, tình trạng bất ổn, xung đột tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, biển đảo, chạy đua vũ trang, các hành động chính trị cường quyền, bất chấp luật pháp quốc tế... lại có chiều hướng gia tăng. Trên thực tế, một số quốc gia xưng danh bảo vệ nhân quyền đã có hành động quân sự tấn công quốc gia có chủ quyền dẫn đến những hệ lụy chiến tranh và tạo ra những thảm kịch lớn về nhân đạo và nhân quyền. Về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Dũng Chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: Chính việc áp đặt nhân quyền dẫn đến việc, nếu như một quốc gia không thực thi theo đúng mong đợi của các quốc gia khác thì có nguy cơ dẫn đến xung đột trong nội bộ, thậm chí có sự can thiệp từ bên ngoài, trong đó có vấn đề nhân quyền. Chúng ta cần khẳng định rằng, nhân quyền là giá trị phổ quát, đó là khát vọng mong đợi, mục tiêu hướng đến của các quốc gia nhưng đồng thời trên thực tế, nó là quá trình nhận thức của mỗi Chính phủ, mỗi quốc gia. Thực tế, những xung đột liên quan đến nhân quyền xuất phát từ việc áp dặt giá trị không phù hợp với thực tiễn phát triển của mỗi quốc gia.
Thúc đẩy cùng hành động vì một thế giới hòa bình
Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động,” Đại hội đồng IPU 132 đặt ra trọng trách to lớn là chia sẻ các ý tưởng và hành động để góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của nhân loại. Một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự Đại hội đồng IPU lần này là “biến lời nói thành hành động" để luật pháp và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được tôn trọng; các thỏa thuận, các quy tắc ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia được thực hiện nghiêm túc; các tranh chấp, bất đồng được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và các dân tộc đều có quyền bình đẳng. Thực hiện mục đích, tôn chỉ hoạt động của mình suốt 130 năm qua, IPU-132 đang chứng tỏ vai trò là diễn đàn nghị viện đa phương quan trọng nhất trên thế giới, có những đóng góp tích cực và to lớn cho hòa bình, hợp tác, phát triển, dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội và các quyền con người. Chủ tịch IPU Saber Choudhury khẳng định: Hòa bình và phát triển là vấn đề quan trọng của thế giới. Nếu không có hòa bình thì không thể có phát triển. Và IPU với vai trò là một tổ chức nghị viện thế giới, giúp tăng cường đối thoại, đưa các nghị sĩ đến gần nhau hơn để chia sẻ kinh nghiệm để làm sao thúc đẩy hòa bình.
Là một quốc gia đã trải qua nhiều mất mát đau thương do chiến tranh, nên Việt Nam luôn trân trọng giá trị của hòa bình. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn sát cánh cùng các thành viên IPU nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung về phát triển bền vững, tăng cường dân chủ, bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, quyền của trẻ em và các quyền cơ bản khác. Vì vậy, IPU-132 lần này là dịp để Việt Nam tiếp tục nêu cao thông điệp hòa bình. Thông điệp này được người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tiếng nói của IPU lần này sẽ tác động tích cực tới Đại hội đồng Liên hợp quốc để thông qua Chương trình hành động của Liên hợp quốc, của thế giới 15 năm tới, giai đoạn từ 2016-2030. Và tôi xin nhấn mạnh thêm rằng muốn thế giới đoàn kết, hòa bình, hợp tác để cùng chia sẻ, thúc đẩy cuộc sống ấm no hạnh phúc thì điều đầu tiên là phải tôn trọng quyền con người, tôn trọng quyền dân tộc, tôn trọng quyền quốc gia, đoàn kết trên tinh thần tin cậy lẫn nhau. Có như vậy thì mới có sức mạnh đoàn kết toàn cầu góp phần thúc đẩy sự hợp tác đi đến thành công.
Với việc thông qua Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và quyền con người” tại Đại hội đồng IPU 132 lần này, các nghị sĩ IPU góp phần giải quyết những vấn đề rất căn bản của luật pháp quốc tế mà cộng đồng quốc tế đã dày công xây đắp./.