(VOV5) - Ngày 17/5, cuộc họp nội các đầu tiên của Chính phủ mới do Tân Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đứng đầu chính thức diễn ra. Được lựa chọn ngay sau khi Tân Tổng thống Francois Hollande nhậm chức, là chiến hữu trung thành của Tân Tổng thống Francois Hollande, ông Jean-Marc Ayrault được xem là tác nhân quan trọng để Tân Tổng thống Pháp hiện thực hóa những cam kết khi tranh cử, đương đầu với những thách thức trong nhiệm kỳ của mình, cả về đối nội và đối ngoại.
|
Tân Thủ tướng của nước Pháp, ông Jean-Marc Ayrault và vợ. (Ảnh:zing) |
Trước khi bộ máy nội các mới chính thức ra mắt, tân Thủ tướng Jean-Marc Ayrault và Tổng thống Hollande đã có 4 giờ thảo luận về các vị trí trong bộ máy chính phủ. Đúng như Tổng thống F. Hollande đã từng cam kết, phụ nữ chiếm một nửa số ghế trong nội các mới. Trong số 34 ghế bộ trưởng, 17 ghế đã được giao cho các phụ nữ, trong đó có các lĩnh vực tư pháp, văn hóa, sinh thái học và thể thao. Vài vị trí trong nội các cũng được dành cho các cố vấn thân thiết của tân Tổng thống Hollande. Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Hollande, Pierre Moscovici, đã được chỉ làm bộ trưởng tài chính và cựu thủ tướng Laurent Fabius làm Bộ trưởng ngoại giao. Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, tân Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault khẳng định chính phủ của ông sẽ là một chính phủ cải cách sâu sắc và đó là sự thay đổi mà nước Pháp mong muốn.
Từng sát cánh với tân Tổng thống Pháp Francois Hollande trong suốt mùa tranh cử trên cương vị là cố vấn đặc biệt, ông Jean-Marc Ayrault có đồng quan điểm trên nhiều vấn đề với Tổng thống Francois Hollande. Đó là chủ trương đoàn kết nội bộ, hòa giải dân tộc, vực dậy nền kinh tế Pháp và giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực.
Tham gia vào các hoạt động chính trị ngay từ thời sinh viên, ông Jean-Marc Ayrault được biết đến là một nhân vật khiêm tốn, bén nhạy và hiệu quả. Năm 1977, ông trở thành thị trưởng trẻ tuổi nhất của Pháp khi đắc cử thị trưởng thành phố Saint-Herblain, một thành phố có trên 30.000 dân. Đến năm 1986, lần đầu tiên ông vào Quốc hội và năm 1989, ông là thị trưởng thành phố Nantes và từ đó đến nay ông liên tục được dân chúng tái tín nhiệm ở hai chức vụ dân biểu và thị trưởng. Là một nhà cải cách thận trọng, không giáo điều, tân Thủ Tướng Pháp được xem là một người có khả năng phân tích chính trị sâu sắc, biết dùng người đúng chỗ, biết đo lường tương quan lực lượng, biết cách thỏa hiệp khéo léo nhưng luôn luôn đi đúng hướng vạch ra. Mối quan hệ giữa Hollande và Jean-Marc Ayrault được thiết lập từ năm 1997 khi ông Hollande bắt đầu giữ cương vị người đứng đầu Đảng xã hội. Giới phân tích nhận định, với Jean-Marc Ayrault, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande có thể trông cậy vào một điểm tựa vững chắc. Bởi một Thủ Tướng nắm vững phong cách sinh hoạt của lập pháp và các dân biểu, thêm vào đó, là một người thông thạo tiếng Đức và có nhiều mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Đức, ông Jean-Marc Ayrault sẽ có thể hỗ trợ Tổng thống Francois Hollande trong các vấn đề đối nội, cũng như giúp cho quan hệ Paris-Berlin thuận lợi hơn, trong bối cảnh hai bên đang có những quan điểm khác biệt trong việc giải quyết khủng hoảng nợ công Châu Âu. Chủ trương của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault là chính quyền của Tổng thống Francois Hollande phải thực hiện được những điều mà ông Francois Hollande đã hứa khi tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, với dư luận, chặng đường phía trước của ông Jean-Marc Ayrault không phải là tấm thảm đỏ.
Nhìn lại thời gian qua, trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, ông N. Sarkozy đã không gặt hái được nhiều thành công. Tỷ lệ nợ công gia tăng nặng nề, thất nghiệp tăng cao, tăng trưởng suy giảm, xã hội bất ổn hơn. Năm 2011, thâm hụt ngân sách của Pháp ở mức 5,2% GDP. Trong khi đó, cam kết với cử tri Pháp, Tổng thống Francois Hollande đã vạch ra một lộ trình để từng bước vực dậy nền kinh tế của quốc gia này, trong đó, đáng chú ý là cam kết sẽ giảm 30% lương của tổng thống và các thành viên chính phủ; soạn thảo Hiến chương về đạo đức nghề nghiệp dành cho các thành viên nội các; tăng 25% trợ cấp đầu năm học cho học sinh; đề ra các chính sách xã hội ưu tiên tạo việc làm cho lớp trẻ, chăm sóc người cao tuổi, đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội...
Rõ ràng, thách thức ở phía trước đối với nội các mới của nước Pháp là không hề nhỏ. Chắc chắn sẽ không có điều thần kỳ xảy ra nếu như không có sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Ở vào thời điểm hiện tại, với những gì đang diễn ra, dư luận đang nuôi hy vọng, hy vọng ở luồng gió mới trên chính trường Pháp sẽ mang lại đổi thay./.