(VOV5) - Đây là hoạt động quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 22/5 tới.
Từ ngày 20 tháng 3 tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức 3 đợt giám sát để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở địa phương. Đây là hoạt động quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 22/5 tới.
Mục đích của việc giám sát công tác bầu cử là để nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam) các địa phương. Qua giám sát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở địa phương, những vi phạm pháp luật về bầu cử để có hướng khắc phục nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử ngày 22/5 dân chủ, đúng luật, an toàn và thực sự là ngày hội của nhân dân.
Giám sát bầu cử theo đúng Luật
Theo ông Võ Sở, cử tri ở quận Đống Đa, Hà Nội, Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm giám sát bầu cử. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần giám sát toàn bộ quá trình tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: “Mặt trận phải thực sự bắt tay vào việc, đi nắm các tổ chức tham gia bầu cử, luật bầu cử…Mặt trận cũng giám sát toàn bộ các hình thức tổ chức, phân bổ đại biểu, hình thức tổ chức ứng cử, giới thiệu đại biểu và việc tranh cử của người ứng cử. Đây là việc rất quan trọng. Mặt trận làm tất cả các bước, kể cả việc phân bổ, xem xét tiêu chuẩn từng người ở các cấp”.
|
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra công tác bầu cử tại Quảng Trị. Ảnh: nhandan.com.vn |
Trong 6 công việc quan trọng của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ngoài hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, giám sát quá trình bầu cử là vô cùng quan trọng. Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng: Công việc này phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định để cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 góp phần quan trọng vào việc đổi mới hệ thống hệ thống chính trị, đảm bảo quyền dân chủ thuộc về nhân dân: “Giám sát không phải giám sát chung chung về hình thức mà tiến tới giám sát công việc trực tiếp, cách bầu, bầu cử, kiểm phiếu… Xung quanh việc này nhân dân rất mong muốn Mặt trận thể hiện rõ vai trò. Giám sát ở đây cũng tự giám sát bản thân mình, giám sát quá trình hiệp thương có gì tiến hộ hơn trước, có đúng với tinh thần dân chủ hay không. Bởi vì cuộc bầu cử là một trong những việc góp phần quan trọng đổi mới đồng bộ hệ thống cơ quan nhà nước pháp quyền”.
Tập trung giám sát việc vận động bầu cử
Để triển khai giám sát cuộc bầu cử, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa thông qua kế hoạch triển khai giám sát bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, từ ngày 20/3 tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có 3 đợt giám sát bầu cử.
|
Hội nghị hướng dẫn cách cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đối với các cơ quan tổ chức, đơn vị ở Trung ương |
Đáng chú ý là trong đợt 3, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập trung giám sát việc vận động bầu cử, trong đó có trách nhiệm tổ chức vận động bầu cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong vận động bầu cử theo đúng những quy định khắt khe của Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết: “MTTQ Việt Nam và các đoàn thể sẽ giám sát rất chặt chẽ quá trình vận động bầu cử. Đơn cử như việc tặng quà, làm từ thiện nếu thấy rõ ràng việc đó anh lấy lòng cử tri là không được. Tất nhiên các thứ quà tặng, lời hứa không dễ gì xác định được nhưng nếu cả năm, cả đời, anh không về thôn đó xóm đó, nay tự dưng anh lại về tặng quà, làm từ thiện thì sẽ là vấn đề khác. Nếu Mặt trận giám sát biết việc đó, hoặc cử tri nói ông này về cho tiền thì ứng cử viên sẽ bị loại và không được bầu”.
Theo kế hoạch, hoạt động giám sát cuộc bầu cử được tiến hành kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng nội dung và tiến độ đề ra. Những hành vi vi phạm Luật bầu cử được thông tin kịp thời đến Thường trực Ban Chỉ đạo bầu cử của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội đồng Bầu cử Quốc gia để xem xét giải quyết nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng pháp luật.