Mồi lửa mới châm ngòi tranh chấp

(VOV5)- Sau những tuyên bố cứng rắn gần đây đối với chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, hôm nay, nội các Nhật Bản chính thức thông qua việc quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo này. Động thái này từ phía Tokyo khiến dư luận quan ngại đây là mồi lửa mới châm ngòi cho quan hệ Nhật-Trung, đẩy hai quốc gia láng giềng Đông Bắc Á đứng trước vòng xoáy căng thẳng mới.


Thông tin chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được đưa ra chính thức hôm qua sau cuộc họp của các Bộ trưởng Nhật Bản. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết 3 trong số 5 hòn đảo chính thuộc Senkaku sẽ được Chính phủ mua lại từ một chủ sở hữu tư nhân của nước này với giá 2,05 tỷ Yên (tương đương gần 26 triệu USD) và thỏa thuận mua bán này sẽ nhanh chóng được thực hiện.



Mồi lửa mới châm ngòi tranh chấp - ảnh 1
Máy bay Nhật Bản bay trên quần đảo Senkaku. Ảnh AP

Mặc dù theo lý giải từ phía Nhật Bản rằng kế hoạch quốc hữu hóa các hòn đảo này là nhằm "duy trì ổn định và bình lặng", giúp hai nước tránh rơi vào tình trạng căng thẳng hơn khi ngăn chặn được việc tiến hành xây dựng các công trình dân sự trên quần đảo, nhưng thực tế quyết định này của Tokyo đã thổi bùng lên sự tức giận của Bắc Kinh vốn âm ỉ lâu nay. Ngày 10/9, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố Bắc Kinh sẽ "không lùi một tấc nào" trong tranh cãi chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Sensaku trên Biển Hoa Đông. Tiếp sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố cho biết Bắc Kinh cũng đã triệu Đại sứ Nhật Bản tới để bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" trước động thái quốc hữu hóa nhóm đảo trên của Tokyo. Trước đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Vladivostok, Liên Bang Nga, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng một lần nữa nhắc lại quan điểm của chính quyền Bắc Kinh là phản đối việc Nhật Bản mua quần đảo này và cho biết Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm thu hồi chủ quyền lãnh thổ.

Mồi lửa mới châm ngòi tranh chấp - ảnh 2
Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara khuấy động dư luận Trung Quốc với
kế hoạch mua một số đảo thuộc quần đảo Senkaku.


Sensaku/Điếu Ngư là một nhóm các đảo không người ở, hiện do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông. Có vị trí chiến lược về giao thông hàng hải thuộc trung tâm biển Hoa Đông lại nằm giữa lục địa Trung Quốc và tỉnh cực nam Okinawa của Nhật Bản, Senkaku/Điếu Ngư còn nằm trong khu vực được coi là có nhiều tiềm năng dầu lửa, một ngư trường hết sức phong phú. Bởi vậy, quần đảo này đều được cả Bắc Kinh và Tokyo tuyên bố chủ quyền. Cuộc tranh chấp này là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ thường xuyên căng thẳng giữa hai nước láng giềng trong nhiều thập kỷ. Năm 1972, khi Nhật Bản và Trung Quốc khôi phục quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai đã đồng ý gác lại vấn đề đảo Senkaku cho đến khi nào có thời cơ giải quyết “thấu đáo”. Năm 1978, khi hai nước đạt được hiệp ước hòa bình mang tính lịch sử, lãnh đạo Trung Quốc cho rằng có thể để thế hệ sau tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, quan hệ Nhật-Trung trên vùng biển Hoa Đông chưa bao giờ “lặng sóng”.



Cuộc khủng hoảng mới nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc Châu Á bắt đầu được khơi mào từ sự kiện hôm 15/8 khi một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc xông lên cắm cờ của họ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này. Ngay lập tức, phía Nhật Bản đã đáp trả bằng cách đâm thủng tàu Trung Quốc và bắn súng vòi rồng vào con tàu này. Nhật Bản còn tiến hành bắt giữ toàn bộ 14 nhà hoạt động Trung Quốc. Tiếp đó, Nhật Bản cũng đáp trả bằng một chuyến đổ bộ và cắm cờ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và tiến hành tập trận chung với Mỹ. Hành động này của Nhật Bản đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Trong khi chính phủ Trung Quốc không ngớt lời chỉ trích Nhật Bản thì người dân Trung Quốc cũng đổ ra đường biểu tình, đập phá các xe hơi và nhà hàng Nhật Bản. Tướng Trung Quốc còn kêu gọi nước này phái 100 tàu đến bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. Mới đây, cuối tháng 8, xe của Đại sứ Nhật Bản tại thủ đô Bắc Kinh còn bị những kẻ quá khích tấn công.


Trước những tuyên bố và đe dọa cứng rắn từ phía Bắc Kinh, Tokyo không hề tỏ ra nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền đối với quần đảo này. Bằng việc tiến hành quốc hữu hóa nhóm đảo thuộc quần đảo tranh chấp, Tokyo đã phát đi một thông điệp rõ ràng “Sensaku là một phần lãnh thổ của Nhật, xét cả về lịch sử cũng như luật pháp quốc tế và vì thế không có chuyện tuyên bố chủ quyền giữa hai nước”. Giới phân tích cho rằng sở dĩ Nhật Bản mạnh tay trong chuyện này là bởi nước này đang nắm giữ ưu thế trong việc quyết định số phận của quần đảo Sensaku/Điếu Ngư. Nếu việc quốc hữu hóa hoàn thành, Trung Quốc sẽ buộc phải chấp nhận đường phân giới thềm lục địa trên biển Hoa Đông theo điều kiện của chính quyền Tokyo. Thậm chí, vấn đề còn trở nên phức tạp hơn đối với Bắc Kinh khi liên quân Mỹ-Nhật tăng cường sự hiện diện ở bờ tây đường ranh giới này, đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia của Trung Quốc. Chẳng ai dám chắc trong tương lai không xa, tàu quân sự của Trung Quốc mỗi khi đi ngang qua chuỗi đảo ven lục địa Đông Nam Á gần Nhật Bản, Đài Loan và phía bắc Philippin không bị ảnh hưởng bởi các máy bay, tàu chiến của liên quân Mỹ-Nhật. Và nếu như Nhật Bản xây dựng hệ thống rada cảnh báo sớm tên lửa tầm xa trên quần đảo tranh chấp, Tokyo và Washington không chỉ kiểm soát được khu vực phía bắc Đài Loan mà còn nhằm vào vùng duyên hải rộng lớn phía đông nam Trung Quốc.


Với những diễn biến như vậy, khu vực Đông Bắc Á đã và đang trở thành tâm điểm thu hút sự dõi theo của cộng đồng quốc tế. Không ai muốn căng thẳng mới ở khu vực này leo thang khi mà thế giới đã trải qua nhiều biến động, nhiều điểm nóng dường như chưa có điểm dừng. Tuy nhiên, những diễn biến của tình hình không mang lại cho các nhà quan sát một hy vọng lạc quan nào./.


Phản hồi

Các tin/bài khác