Một sự nghiệp sáng ngời chính nghĩa

(VOV5) Tháng 4-1975, bè lũ Khơ-me Đỏ lên cầm quyền ở Cam-pu-chia, thực hiện chính sách diệt chủng, xây dựng một thứ xã hội không tưởng, đã dìm nhân dân Cam-pu-chia trong chết chóc, đói khát, xã hội điêu tàn.


Một sự nghiệp sáng ngời chính nghĩa  - ảnh 1

Quân đôi Việt Nam giúp huấn luyện quân đội Campuchia

Bọn diệt chủng cũng tiến hành tiến công xâm lược Việt Nam, quân và dân Việt Nam đã kiên quyết chống trả. Ngày 23-12-1978, Quân đội nhân dân Việt Nam mở cuộc tiến công chiến lược đập tan cuộc tiến công của bè lũ Pôn Pốt trên toàn tuyến biên giới, đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Sau đó, theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Cam-pu-chia và Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, Quân đội nhân dân Việt Nam chuyển sang phối hợp cùng các lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia, đánh tan lực lượng quân sự, xóa bỏ chế độ cầm quyền của bè lũ Pôn Pốt – I-êng Xa-ri – Khiêu Xam-phon. Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng.

Bè lũ Khơ-me Đỏ đã bị đánh tan, nhưng nhiều khung sư đoàn, trung đoàn cùng bộ phận đầu sỏ của chúng vẫn còn. Dựa vào sự ủng hộ của các thế lực phản động bên ngoài, chúng gấp rút khôi phục lực lượng điên cuồng phản kích, chống lại cách mạng Cam-pu-chia và Việt Nam, hòng buộc ta phải rút quân khỏi Cam-pu-chia để tiêu diệt lực lượng cách mạng non trẻ Cam-pu-chia, đưa chế độ diệt chủng trở lại thống trị.

Trước tình hình đó, bạn rất cần Quân tình nguyện của ta ở lại và Đảng, Nhà nước ta cử chuyên gia sang giúp cho đến khi bạn đủ sức tự bảo vệ thành quả cách mạng của Cam-pu-chia. Theo đề nghị của Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia (nay là Đảng Nhân dân Cam-pu-chia), Hội đồng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa các đoàn chuyên gia sang cùng nhân dân Cam-pu-chia khắc phục các hậu quả do bọn diệt chủng để lại, giúp xây dựng các cơ sở ban đầu để phát triển đất nước, theo tinh thần: Bộ giúp bộ, ngành giúp ngành, địa phương giúp địa phương, chuyên gia Việt Nam có từ trung ương tới các xã, trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của Nhà nước Cam-pu-chia. Trong hoàn cảnh lúc đó, nhân dân ta còn gặp muôn vàn khó khăn do hậu quả 30 năm chiến tranh để lại, nhưng các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và các địa phương sẵn sàng chi viện kịp thời những điều kiện vật chất, kỹ thuật đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu để bạn ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, y tế… Nghe theo lời dạy của Bác Hồ “Giúp bạn là tự giúp mình”, cán bộ, chiến sĩ ta sẽ chấp nhận khó khăn, gian khổ, xa gia đình, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong 10 năm, 1979-1989, Quân tình nguyện và hàng vạn chuyên gia Việt Nam đã tận tụy làm việc, đưa hết tài năng trí tuệ ra giúp bạn khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, hoạch định chiến lược, chính sách, biện pháp phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, bảo vệ đất nước, mở rộng quan hệ với cộng đồng các dân tộc trên thế giới. Trên mọi lĩnh vực, chuyên gia Việt Nam đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc vô tư, trong sáng và hiệu quả, giúp nhân dân Cam-pu-chia dần dần làm chủ nhà máy, đồng ruộng, ngư trường... để lao động, sản xuất. Từ không chợ, không tiền, không bệnh xá, không trường học, không chùa chiền, không nhà thờ…, mọi nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người dân Cam-pu-chia đã được phục hồi và xây dựng.

Quân tình nguyện, chuyên gia ta cùng với bạn kiên quyết đấu tranh thực hiện ba mục tiêu chiến lược làm phương hướng giành thắng lợi của cách mạng Cam-pu-chia: Tiếp tục làm cho bọn Pôn Pốt tan rã và suy tàn; Xây dựng lực lượng cách mạng Cam-pu-chia ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, tự đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước, trở thành lực lượng quyết định thắng lợi cuối cùng của cách mạng Cam-pu-chia; Tăng cường liên minh Việt Nam - Cam-pu-chia thêm một bước mới vững chắc hơn chống mọi âm mưu kích động phá hoại của kẻ thù.

Trong quá trình ta và bạn cùng thực hiện ba mục tiêu chiến lược, trong hoạt động sôi nổi đã hình thành ba phong trào cách mạng trong nhân dân bạn: Đánh địch và địch vận; Sản xuất và ổn định đời sống; Xây dựng thực lực cách mạng. Ba phong trào đó đã trở thành biện pháp chiến lược để thực hiện ba mục tiêu.

Tháng 8-1985, Bộ Chính trị Đảng ta và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia hội đàm tại Phnôm Pênh nhất trí kế hoạch: Đến năm 1987, lúc lực lượng vũ trang Cam-pu-chia tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ đất nước, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục rút cho đến năm 1990 thì hết.

Đầu năm 1988, việc thực hiện ba mục tiêu chiến lược phát triển tốt, lãnh đạo hai Đảng đã nhất trí rút Quân tình nguyện và chuyên gia sớm hơn kế hoạch.

Ngày 30-6-1988, lễ tiễn trọng thể Bộ tư lệnh, các cơ quan 719 và chuyên gia quân sự về nước diễn ra ở Phnôm Pênh với 5 vạn nhân dân Cam-pu-chia và 200 nhà báo các nước. Cùng thời gian đó, ở các hướng khác, 5 vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện cũng hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc. Lực lượng Quân tình nguyện còn ở lại đặt dưới quyền lãnh đạo và chỉ đạo chỉ huy của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng bạn.

Trung ương Đảng bạn ra Nghị quyết 12 đánh giá đã hoàn thành ba mục tiêu, lực lượng của bạn đã mạnh hơn lực lượng của địch. Cuối năm 1989, ta chủ động rút toàn bộ Quân tình nguyện Việt Nam về nước. Ngày 27-9-1989, đơn vị Quân tình nguyện cuối cùng qua biên giới Cam-pu-chia trở về Việt Nam.

Suốt 12 năm, bắt đầu từ ngày 30-4-1977, ngày lũ Pôn Pốt - I-êng Xa-ri - Khiêu Xam-phon mở cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta, đến tháng 9-1989, Quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Cam-pu-chia, lập nên công trạng đặc biệt xuất sắc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.

Năm tháng trôi đi, nhưng chúng ta tin tưởng vững chắc rằng: Trong tâm trí nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nông dân, người lao động Cam-pu-chia vẫn in đậm hình ảnh những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, giúp Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng, những chuyên gia Việt Nam đã tận tình giúp đất nước Cam-pu-chia hồi sinh, góp phần đưa đất nước Cam-pu-chia phát triển và phồn vinh, làm sáng tỏ thiện chí và việc làm chính nghĩa của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Việt Nam, góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống bền vững giữa hai dân tộc. Trong thế kỷ XX, giúp đất nước và nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng và hồi sinh, phát triển dân tộc, chúng ta đã làm nên một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa.

Đại tá LÊ LIÊN, Qdnd

 

Phản hồi

Các tin/bài khác