(VOV5) - Cuộc chiến này nhiều khả năng gây thiệt hại không những cho chính hai nền kinh tế Mỹ-Trung, mà còn đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu.
Mỹ và Trung Quốc tuần qua đã chính thức “khai hỏa” cuộc chiến tranh thương mại và nhiều khả năng còn kéo dài khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đều đang có những động thái quyết đấu đến cùng. Cuộc chiến này được cho là sẽ kéo theo một loạt hệ lụy nguy hiểm, không chỉ đối với bản thân hai nền kinh tế, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại quốc tế.
Ăn miếng trả miếng
Ngày 6/7, cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế nổ ra khi Washington chính thức áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Bắc Kinh. Ngay lập tức, nước này cũng kích hoạt các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ. Đáng chú ý, các mặt hàng bị áp thuế đều là những lĩnh vực “xương sống” của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài mức thuế vừa áp đặt, trong vòng 2 tuần tới, Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD. Thậm chí, Tổng thống Trump còn cảnh báo rằng Washington sẵn sàng áp thêm mức thuế 10% đối với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD, nâng tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lên tới hơn 550 tỷ USD. Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích động thái của Mỹ là một hình thức "chèn ép thương mại”, đồng thời thông báo đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bắc Kinh thậm chí gọi hành động này của Washington là không sáng suốt, làm xói mòn những lợi ích của các nước khác cũng như của chính nước này.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc không phải là động thái bất ngờ. Ngay từ chiến dịch tranh cử, ông D.Trump đã luôn khẳng định quan điểm việc áp thuế này là cần thiết nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ và công nghệ của Mỹ, giảm thâm hụt thương mại Mỹ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế nguyên nhân sâu xa không hẳn nằm ở đó. Theo các nhà phân tích, động thái trả đũa thương mại của hai bên phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về kinh tế, quân sự, ảnh hưởng toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia có nhiều khác biệt về lập trường và tham vọng. Căng thẳng chiến lược này nhiều khả năng chỉ tăng chứ không giảm bất kể cuộc đối đầu thuế hiện nay có kết cục ra sao.
Một cuộc chơi mà không ai giành chiến thắng
Các chuyên gia nhận định, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với các đòn "ăn miếng, trả miếng" có thể kéo dài và tác động mạnh tới tình hình kinh tế hai nước cũng như thương mại toàn cầu.
Xét về mức độ ảnh hưởng của bản thân hai nền kinh tế, ở cấp độ vĩ mô, các biện pháp áp thuế này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc trong năm nay giảm 0,1 đến 0,2%. Đây có thể không phải là con số quá lớn, nhưng nếu tính qui mô của một nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc thì thiệt hại sẽ ở mức đáng kể. Thêm nữa, những tác động đối với mức độ rủi ro kinh doanh, lòng tin của các khu vực tư nhân và gián đoạn chuỗi cung ứng, có thể làm trầm trọng thêm những cú sốc kinh tế. Còn ở cấp độ vi mô, nhiều công ty Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, trong khi việc Mỹ mở rộng áp thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc khiến nhiều công ty của Mỹ có hoạt động tại Trung Quốc, cũng sẽ bị tổn hại.
Đối với Trung Quốc, một khi nổ ra chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ chịu tác động không hề nhỏ, đem lại nhiều rắc rối cho việc ổn định kinh tế-xã hội. Trong khi đó, quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump liệu có nhận được sự ủng hộ lớn ở trong nước tại thời điểm quan trọng khi ông đang hướng đến cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới hay không cũng là vấn đề đáng lo ngại. Có thể, chính quyền của ông Trump sẽ phải chịu sự chỉ trích của đảng đối lập và đối mặt với các cuộc biểu tình của các ngành nghề chịu tổn thất trong cuộc chiến thương mại này.
Tuy nhiên, bên chịu thiệt hại nhiều nhất không phải là Mỹ hay Trung Quốc, mà chính là những nền kinh tế gắn chặt với chuỗi giá trị toàn cầu. Với những diễn biến đang diễn ra, giới chuyên gia cho rằng, đây chỉ là bước đi đầu tiên trong cuộc đối đầu thương mại không khoan nhượng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, với nhiều khả năng gây thiệt hại không những cho chính hai nền kinh tế Mỹ-Trung, mà còn đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu.