Myanmar tiến tới ổn định để phát triển

(VOV5) - Myanmar vừa tiến hành cuộc tổng tuyển cử được cho là tự do và dân chủ nhất trong vòng 25 năm qua. Tuy kết quả bầu cử chính thức trên toàn quốc chưa được công bố (dự kiến 15/11) nhưng thực tế cho thấy dù đảng nào thắng cử, Myanmar sẽ vẫn tiếp tục tiến trình mở cửa, cải cách dân chủ như hiện nay. Đây là tiền đề để quốc gia này tiếp tục tăng trưởng kinh tế, mang lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho người dân cũng như  nâng cao vị thế trên trường quốc tế. 

Myanmar tiến tới ổn định để phát triển - ảnh 1
Nhân viên giám sát bầu cử giơ một lá phiếu bầu tại điểm bầu cử Mandalay, Myanmar ngày 8-11 (Ảnh: Reuters)


Theo thống kê, có khoảng 80% trong số 32 triệu cử tri Myanmar đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch sử ngày 8/11. Tỷ lệ này cho thấy sự quan tâm lớn của cử tri tới cuộc tổng tuyển cử đồng thời cũng là quan tâm đến tương lai đất nước. Cử tri mong muốn Myanmar sẽ có một Chính phủ mới tiếp tục con đường cải cách, ngày càng quan tâm hơn đến người dân, tiếp tục dẫn dắt đất nước trên con đường đổi mới. Đây cũng là hướng đi thích hợp nhất để Myanmar nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới.


Tiền đề thuận lợi


Không thể phủ nhận những thành quả quan trọng mà Myanmar đạt được trước bầu cử. Từ khi chính quyền quân nhân tuyên bố bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp sang dân sự và dân chủ cách đây vài năm, người ta cũng đã nhìn thấy những thay đổi nhanh chóng ở một đất nước mở cửa. Về chính trị, dư luận có thể nhìn thấy sự phát triển của các đảng phái chính trị ở quốc gia Đông Nam Á này. Hơn 90 đảng phái cử hơn 6.000 ứng cử viên ra tranh cử trong cuộc bầu cử vừa qua. Gần đây nhất, việc đạt Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) giữa  Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) cầm quyền với các nhóm vũ trang sắc tộc là bước tiến cực kỳ quan trọng đi đến nền hòa bình bền vững.


Về kinh tế, từ chỗ nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới sau hơn hai thập kỷ bị bao vây cấm vận, 3 năm gần đây, kinh tế Myanmar đã tăng trưởng trung bình 7,6% mỗi năm. Quốc gia này cũng trở thành thị trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn ở Đông Nam Á. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán kinh tế Myanmar sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân khoảng 9,5%/năm tới năm 2030 và thu nhập bình quân đầu người cũng sẽ tăng lên gần 5.000 USD vào năm 2030. Qũy tiền tệ quốc tế IMF đánh giá do sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động trẻ và vị trí kinh tế chiến lược, Myanmar có thuận lợi để phát triển thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên, kết nối Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á.


Ngoài thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, niềm tin của cử tri Myanmar về một đất nước hòa bình, ổn định càng có cơ sở hơn khi các đảng phái chính trị trong cương lĩnh tranh cử đều khẳng định sẽ tiếp tục hướng tới dân chủ. Người dân Myanmar đang hưởng những thành quả mà tiến trình đổi mới và cải cách mang lại dưới sự lãnh đạo của Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) cầm quyền. Trên cơ sở đó, Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo cũng đưa ra khẩu hiệu “Thay đổi” theo hướng Chính phủ hoàn toàn dân sự, đảm bảo các quyền của con người.


Thách thức không nhỏ


Theo nhận định của giới phân tích chính quyền Myanmar sau cuộc bầu cử năm 2015 sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Cho dù đảng nào giành thắng lợi thì mối quan hệ giữa các chính đảng và lực lượng vũ trang ở nước này sẽ là vấn đề được dư luận quan tâm. Đây là yếu tố quan trọng quyết định tương lai của Myanmar. Ngoài ra mâu thuẫn về tôn giáo cũng là vấn đề đáng lưu tâm khi giới quan sát cho rằng chủ nghĩa tôn giáo cực đoan đang trở thành nhân tố tác động tới đời sống chính trị ở Myanmar.


Bên cạnh đó, Myanmar phải thành lập được một Chính phủ thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây cũng chính là mong muốn và kỳ vọng của người dân Myanmar bởi mặc dù đã đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế - xã hội, song mức sống của đại đa số người dân Myanmar vẫn chưa được cải thiện nhiều. Myanmar vẫn là một trong những quốc gia nghèo ở châu Á với gần 1/3 trong tổng số 60 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói.


Chính quyền mới ở Myanmar sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song thành công của cuộc bầu cử ngày 8/11 sẽ giúp Myanmar ổn định chính trị, từ đó tập trung phát triển kinh tế, là tiền đề then chốt để quốc gia này phát triển mạnh mẽ hơn về mọi mặt thời gian tới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác