Năm 2016: Việt Nam thực hiện đồng bộ giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

(VOV5) - Ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong năm 2016 trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các hiện tượng cực đoan của thiên nhiên.

Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực, tăng cường hợp tác quốc tế, bám sát việc thực hiện mục tiêu của Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ( COP 21).


Năm 2016: Việt Nam thực hiện đồng bộ giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu  - ảnh 1
Ảnh: baoxaydung.com.vn


Những hoạt động Việt Nam ưu tiên tiến hành gồm: thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các đối tác qua những kênh song phương và đa phương; tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực. 

Tiền đề thuận lợi từ năm 2015        

Năm 2015 ghi nhận nhiều nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Về nguồn lực, Chính phủ đã dành riêng 3.000 tỷ đồng để đầu tư cho 16 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy còn ít so với nhu cầu đầu tư của các địa phương song đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc đầu tư các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu như: trồng rừng ngập mặn ven biển; các dự án đê biển xung yếu, đê ngăn mặn...

Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng tới việc quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển đô thị và sử dụng đất. Theo đó, việc phát triển hệ thống các khu dân cư vượt lũ phải theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái đồng thời giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam đã xây dựng các chính sách và chương trình nhằm giải quyết ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển tiếp sang một nền kinh tế xanh hơn. Việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu đã tạo cơ sở cho các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, Luật Khí tượng thủy văn được Quốc hội thông qua đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Cũng trong năm 2015, Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu (SREX Việt Nam) được công bố. Đây là báo cáo toàn diện nhất, giới thiệu hệ thống quản lý rủi ro thiên tai và cực đoan khí hậu ở Việt Nam hướng tới một tương lai có sức chống chịu và bền vững.

Triển khai toàn diện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Năm 2016, Việt Nam tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực, thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên đầu tư các dự án ứng phó biến đổi khí hậu quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả Thỏa thuận Paris. Đề cập các giải pháp cụ thể, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho biết: “Bộ Tài nguyên môi trường và các Bộ, ngành khác sẽ làm các thủ tục pháp lý để nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận Paris trước tháng 4/2016. Bộ cũng sẽ xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó có xác định nguồn lực và hoạt động cụ thể triển khai mục tiêu giảm phát thải 8% khí gây hiệu ứng nhà kính. Từ nay đến 2030, Việt Nam cần chuyển đổi ngay sang công nghệ mới ít phát thải cácbon”.

Việt Nam cũng đang phối hợp với các nước đang phát triển khác trong việc đàm phán để cụ thể hóa các điều khoản trong thỏa thuận Paris và thực hiện các cam kết đã đưa ra, trong đó có các cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu nêu trong Báo cáo đóng góp tự nguyện do quốc gia tự quyết định (INDC) đã nộp cho Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015.

Về lâu dài, Việt Nam sẽ rà soát cập nhật các quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư cho hoạt động chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các lực lượng và mọi người dân; tăng cường hợp tác quốc tế;ưu tiên đầu tư các dự án ứng phó biến đổi khí hậu quan trọng, cấp thiết.

Việc chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ giảm thiểu những thách thức của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam mà còn góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác