Năm 2017: nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt- Ấn
(VOV5) - Ngày nay, có thể tự hào nói rằng mối quan hệ giữa hai nước được ghi dấu bằng sự tin cậy mạnh mẽ, hiểu biết lẫn nhau và nhất trí về nhiều vấn đề quốc tế cũng như tình hình an ninh ở khu vực châu Á.
Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được ghi dấu bằng sự tin cậy mạnh mẽ và hiểu biết lẫn nhau sẽ càng được tăng cường trong năm 2017, khi hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (07/01/1972 - 07/01/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (tháng 7/2007 - 7/2017).
|
Bà Preeti Saran. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ gần gũi truyền thống bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giành tự do của nhân dân hai nước do các vị lãnh tụ sáng lập nước là Thủ tướng Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp vun đắp. Tình hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước luôn trước sau như một trong suốt giai đoạn Việt Nam đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, nỗ lực anh hùng để thống nhất đất nước và trong cả thời kỳ kiến thiết đất nước hiện nay. Ngày nay, có thể tự hào nói rằng mối quan hệ giữa hai nước được ghi dấu bằng sự tin cậy mạnh mẽ, hiểu biết lẫn nhau và nhất trí về nhiều vấn đề quốc tế cũng như tình hình an ninh ở khu vực châu Á. Đã có tiến bộ toàn diện trong hợp tác và hỗ trợ phát triển, trao đổi chính trị, hợp tác quốc phòng-an ninh, phát triển nguồn nhân lực, quan hệ thương mại và kinh tế, giao lưu văn hóa và giáo dục.
Năm 2017 là năm có nhiều dấu mốc trong quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam và sự phát triển của các chính sách Hướng Đông và Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Năm 2017 được tuyên bố là “Năm Hữu nghị” giữa hai nước với việc diễn ra các hoạt động văn hóa, hội nghị, hội thảo, liên hoan ẩm thực, triển lãm, quảng bá hình ảnh... nhằm củng cố và nâng cao hơn nữa mối quan hệ song phương. Hai bên cũng tiến hành các chuyến thăm cấp cao, trong đó có các chuyến thăm qua kênh Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và các tỉnh thành, tiến hành định kỳ các cơ chế đối thoại đã xây dựng và thực hiện hiệu quả những thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên cũng như tầm nhìn mà các nhà lãnh đạo đã đưa ra cho mối quan hệ giữa hai nước.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại buổi họp báo chung sau khi kết thúc hội đàm, sáng 3/9/2016 - Ảnh: TTXVN |
Hợp tác kinh tế là một trong 5 trụ cột của mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Ấn độ. Hiện thương mại song phương đang phát triển với tốc độ tốt và hiện ở khoảng 8 tỷ USD.Các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu thương mại đến năm 2020 đạt 15 tỷ USD và tập trung xúc tiến thương mại trong lĩnh vực dệt, dược phẩm, thiết bị y tế, đá quý và trang sức, xe thương mại, phụ tùng ôtô, máy móc và thiết bị, các sản phẩm da, giày. Ấn Độ và Việt Nam cũng đã nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng thương mại giữa hai nước thông qua việc giảm thiểu áp dụng rào cản thương mại, từng bước dỡ bỏ/bãi bỏ các rào cản thương mại theo Thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia phía Đông, trong đó có các nước ASEAN, Ấn Độ đã chuyển từ chính sách Hướng Đông thành chính sách Hành động hướng Đông. Ấn độ hoan nghênh và đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của Việt Nam cho hợp tác ASEAN - Ấn Độ trong khả năng của mình với tư cách là nước Điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2018. Cả hai nước cam kết tăng cường quan hệ đối tác trong các khuôn khổ Ấn Độ - ASEAN và Mekong - Sông Hằng.