(VOV5) - Hội nhập quốc tế là lựa chọn chính sách của hầu hết các quốc gia để phát triển, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Năm APEC 2017 là biểu hiện sinh động cho thấy hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã nâng lên một tầm cao mới - Ảnh minh họa: TTXVN
|
Năm 2018, năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ của Đại hội XII của Đảng CSVN, trong đó hội nhập quốc tế là một mắt xích quan trọng. Trong năm này, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hội nhập, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tận dụng tốt những cơ hội này sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong hội nhập quốc tế, từ mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế chuyển sang chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác là bước chuyển quan trọng. Năm 2018, hội nhập của Việt Nam không nằm ngoài phương châm này.
Thời điểm quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm trong hội nhập quốc tế của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam phải hoàn tất các cam kết quốc tế lớn nhằm nâng tầm hội nhập. Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: "Bước vào 2018 là thời hạn Việt nam hoàn tất các cam kết về kinh tế quốc tế trên nhiều tầng nấc. Điều này sẽ tác động đến các địa phương, doanh nghiệp. Trước tiên là hiệp định hàng hóa ASEAN từ 1/1/2018, (xóa bỏ 669 dòng thuế xuống 0%), các cam kết của WTO, cắt giảm sâu thuế quan theo cam kết các FTA mới giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc. Dự kiến có thế hoàn thiện FTA với EU( EVFTA), ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)".
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: Hùng Cường/VOV
|
Có thể thấy năm 2018 Việt Nam tiếp tục tham gia các sân chơi lớn hơn với những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe hơn. Điều này thể hiện quyết tâm hội nhập ở tầm cao hơn của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh nhận định: "2018 là những cơ hội lớn hơn nếu như Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam được phê chuẩn và đi vào thực thi cũng như CPTPP được ký kết thì sẽ là bước ngoặt rất lớn và tầm vóc cao hơn rất nhiều trong tiến trình hội nhập của Việt Nam. Năm 2000 xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu chỉ có 4 tỷ USD,đến 2017 đã là hơn 45 tỷ USD. Với những cơ chế ưu đãi mà 2 bên dành cho nhau trong EVFTA thì khả năng xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể lên đến 100 tỷ USD".
Cơ hội đã có. Đó là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là làm sao tổ chức khai thác tốt và thực hiện có hiệu quả các cơ hội này. Điều này phụ thuộc vào các nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện tiếp các cải cách. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: "Chúng ta hiểu rằng những nội dung này đòi hỏi nỗ lực mới. Trong quá trình thực thi sắp tới nếu các hiệp định này có hiệu lực, chúng ta phải cải cách nhiều hơn nữa doanh nghiệp nhà nước, các cơ chế chính sách dành cho khu vực của doanh nghiệp nhà nước hay mua sắm công của Chính phủ...Các bộ,ngành, các cơ quan quản lý của Việt Nam đều đã biết và ý thức được những thách thức, những yêu cầu đang đặt ra".
Thúc đẩy đối ngoại đa phương, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ
Năm APEC 2017 là biểu hiện sinh động cho thấy hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã nâng lên 1 tầm cao mới, chuyển mạnh sang chủ động đóng góp xây dựng định hình luật chơi chung.
Tiếp nối cú hích lớn trong ngoại giao đa phương của năm APEC 2017, đầu năm 2018, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF). Năm 2018 cũng là năm chạy đà cho các sự kiện đa phương quan trọng khác của Việt Nam như năm Chủ tịch ASEAN 2020, vận động các nước ủng hộ Việt Nam là ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: "Đường lối đối ngoại độc lập tự chủ đa phương hóa, đa dạng hóa trong những năm qua đã phát huy tối đa kể cả về an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của Việt Nam. Nên khi chúng ta triển khai 2018 thì phải kiên định đường lối đối ngoại này nhưng có 1 số điều chỉnh.Một là cần tiếp tục điều hòa lợi ích, phát huy được những sáng kiến mà Việt Nam đưa ra trong năm APEC 2017 đã được các nền kinh tế đồng thuận như sáng kiến về phát triển bao trùm, thương mại điện tử xuyên biên giới...Thứ 2 là tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ASEAN, tiếp tục cùng ASEAN duy trì đoàn kết, điều hòa lợi ích để hợp tác khu vực tốt hơn. Điểm cuối cùng là tiếp tục đa dạng hóa quan hệ với các nước và Liên minh châu Âu sẽ là 1 trong những ưu tiên".
Hội nhập quốc tế là lựa chọn chính sách của hầu hết các quốc gia để phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Và năm 2018, hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác tốt những cơ hội quan trọng về hội nhập, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, để đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội cao, tạo dựng được vị thế quốc tế mới.