(VOV5) - Năm 2022 là năm GDP của Việt Nam tăng cao nhất trong 12 năm qua, cũng là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công.
Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2022 tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Thêm một năm nữa nền kinh tế Việt Nam đạt thắng lợi kép, với tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát tốt. Kết quả này tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
GS.TS V.Mazyri, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ảnh: VOV |
Số liệu thống kê do Tổng cục thống kê công bố hôm 29/12 cho thấy với mức tăng trưởng GDP ước đạt 8,02%, lạm phát (tính theo CPI bình quân) là 3,15%, năm 2022 là năm GDP của Việt Nam tăng cao nhất trong 12 năm qua, cũng là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công.
Phục hồi ấn tượng
Bức tranh phát triển kinh tế Việt Nam 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn, tính bất ổn cao; lạm phát ở nhiều quốc gia đã tăng lên mức cao nhất sau nhiều thập kỷ buộc các nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
TS. Irina Korgun, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á. Ảnh: VOV |
Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…đã làm gia tăng rủi ro cho thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.
Trong bối cảnh ấy, tốc độ tăng GDP 8,02% của Việt Nam không chỉ là mức tăng trưởng GDP cao nhất thập niên qua mà đây dự báo là tốc độ tăng trưởng Top đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Ở góc độ thị trường, kinh doanh, việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động vượt mức 208 nghìn doanh nghiệp, là con số cao gấp 10 lần thời kỳ đầu Đổi mới, và tăng hơn 30% so với thời điểm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực (1/2021), cho thấy tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp, của người dân tiếp tục được củng cố. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt mức cao nhất 5 năm qua. Đáng chú ý, đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục, hơn 730 tỷ USD, đưa Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế có hoạt động ngoại thương lớn trên thế giới. Giáo sư. Tiến sỹ kinh tế Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đánh giá: "So sánh với các nước, Việt Nam cho thấy kết quả tuyệt vời, được các chuyên gia của các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế ghi nhận. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể được coi là con hổ kinh tế châu Á mới, có nghĩa là một tấm gương về phát triển thành công".
Thành công đến từ chính sách linh hoạt, nỗ lực vượt khó
Kết quả phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022 có vai trò điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt của Chính phủ. Cùng với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp đã được ban hành và triển khai đúng thời điểm. Theo Giáo sư.Tiến sỹ kinh tế Vladimir Mazyrin, một trong những yếu tố giúp Việt Nam duy trì được các động lực tăng trưởng kinh tế, đó là thu hút khá tốt dòng vốn đầu tư nước ngoài. Yếu tố thứ hai là sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, sang Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt thời kỳ Đổi mới, kết hợp sự điều tiết của nhà nước với cơ chế thị trường. Điều này giúp duy trì sự ổn định và đảm bảo nền kinh tế phát triển thuận lợi.
Tiến sỹ Irina Korgun, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á, đánh giá rằng phát triển công nghiệp, tạo ra công nghệ riêng là cách mà Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiến sỹ Irina Korgun cho rằng: "Có thể nói rằng, Việt Nam đang tiếp tục đi theo con đường công nghiệp hóa. Chúng tôi thấy ở Việt Nam đang tạo ra nhiều lĩnh vực công nghiệp chuyên ngành và đây là một lĩnh vực sản xuất, bắt đầu từ các nhà máy lắp ráp đơn giản nhất đến hàng hóa công nghệ phức tạp nhất. Thực sự chúng tôi nhìn thấy sự phát triển có mục đích hướng tới những ngành công nghiệp của Việt Nam và cấu trúc tổng thể nền kinh tế".
Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu quản trị doanh nghiệp và môi trường đầu tư, PGS.TS Vũ Thành Hưng, Giảng viên cao cấp Đại học Quản trị Paris (Pháp), chia sẻ: "Cái cốt lõi cho Việt Nam phát triển chính là nội lực. Chính sách đầu tư tốt, chính sách lao động và việc làm tốt, quan tâm đến những yếu tố về phát triển bền vững, tạo ra lòng tin của thế giới và lòng tin của cộng đồng các doanh nghiệp trên thế giới, họ sẽ đến Việt Nam. Điều này được nhìn ở góc độ: Việt Nam không chỉ là thị trường cho khai thác mà là đối tác và các bên cùng có lợi. Đấy là điều quan trọng".
Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Theo các chuyên gia, đây là mức tăng trưởng đầy thách thức. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp tổng thể của Chính phủ, Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt với các thách thức sắp tới để tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.