(VOV5) - Ngành Nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến năm 2023 với những giải pháp tạo đột phá có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Tăng trưởng đạt mức khá; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là những kỷ lục mới mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt được trong năm 2022. Ngành Nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến năm 2023 với những giải pháp tạo đột phá có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp đã đạt trên 53 tỷ USD. Ảnh minh họa: tieudung.kinhtedothi.vn |
Sản xuất đối mặt với giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao; chính sách bảo vệ sản xuất của một số nước; yêu cầu nhập khẩu ngày một khắt khe... nhưng năm 2022 tiếp tục là năm thành công trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam.
Nhờ vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều kỷ lục mới được ghi nhận trên các mặt hàng, như: gạo, thủy sản, càphê... Xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp đã đạt trên 53 tỷ USD. Sau hơn 20 năm tham gia thị trường quốc tế, lĩnh vực thủy sản đã ghi dấu xuất khẩu được kỷ lục đạt gần 11 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, năm 2022, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế “trụ đỡ” của nền kinh tế với những kỷ lục mới về xuất khẩu nông lâm, thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: VOV |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: "Ngành nông nghiệp vừa đóng góp cho sự tăng trưởng nói chung của nền kinh tế, vừa đóng góp cho an sinh xã hội và bao trùm là chưa bao giờ chúng ta khủng hoảng về lương thực, thực phẩm. Sứ mệnh của nông nghiệp không chỉ giải quyết về vấn đề tăng trưởng mà vấn đề bao trùm là giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động ở khu vực nông nghiệp, khu vực dịch vụ".
Năm 2022, tư duy sản xuất nông nghiệp đã dần chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và rất nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức nông dân, nhằm tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp. Cùng với đó, ngành nông nghiệp bắt đầu chú trọng vấn đề định vị thị trường cho các sản phẩm của mình.
Vai trò kiến tạo của nền kinh tế nông nghiệp và kiến tạo không gian thị trường thể hiện rất rõ trong năm 2022; tư duy nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ngày càng đổi mới; mô hình nông nghiệp mới, như: lúa – tôm; lúa – rươi; du lịch nông nghiệp; những sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) tạo ra một sinh khí mới cho người nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm: "Việt Nam đã mở cửa rất nhiều thị trường cho nông sản để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn, chúng ta chứng minh được rằng chất lượng nông sản Việt Nam có thể đảm bảo ở các thị trường khó tính nhất. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ hay nói cách khác là tư duy sản xuất ngày xưa là làm ra những gì mình có thể làm, còn tư duy thị trường là mình làm ra những gì thị trường yêu cầu, chuyển từ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần đã được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm".
Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phát triển sâu vào kinh tế nông thôn, tăng trưởng nông nghiệp gắn với với việc làm. Đây cũng là những vấn đề mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang hướng tới.