(VOV) - Tại hội thảo“Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” diễn ra ngày 15/3, nhiều chuyên gia khẳng định đã đến lúc Việt Nam cần có chính sách định hướng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào đúng lĩnh vực, ngành nghề cần thiết và tránh các dự án có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Đây cũng chính là chủ trương của chính phủ Việt nam trong giai đoạn hiện nay nhằm hướng tới việc thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng và hiệu quả.
|
Những dấu hiệu tích cực về thu hút FDI từ đầu năm |
Theo thống kê, sau 25 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nguồn vốn này đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt nam. Bình quân hằng năm, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp cùng hàng chục vạn việc làm gián tiếp. Hiện nay, tại Việt Nam, có hơn 13.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 200 tỷ USD. Trong bức tranh chung đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Đó là việc chưa tận dụng hiệu quả nguồn vốn này, việc thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao còn hạn chế, chuyển giao công nghệ còn chậm, thậm chí một số địa phương đã lạm dụng các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội. Do vậy, bên cạnh việc định hướng lại mục tiêu nâng cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng chất lượng – hiệu quả - bền vững thì cần phải đổi mới chính sách thu hút FDI và định hướng sản xuất trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, Việt nam không tham vọng đạt được tất cả các mục tiêu cùng một lúc nhưng cái chốt chủ yếu là phải nâng cao chất lượng vốn FDI. Để làm được điều này phải thu hút công nghệ cao và phải định hướng vào những ngành nghề, lĩnh vực mà Việt nam có lợi thế. Còn ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đề xuất Hiện nay chính sách chúng ta có chủ yếu là thu hút FDI cho nên sắp tới chúng ta phải thay đổi sang chính sách nâng cấp FDI và chính sách liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để hình thành doanh nghiệp dân tộc. Chúng ta phải có thêm định hướng về lãnh thổ, địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế. Bên cạnh sự định hướng rõ của Nhà nước, các khu công nghiệp ở từng vùng, chúng ta còn cần phải có định hướng rõ từng khu, từng vùng nên hướng vào lĩnh vực gì để có thể tạo ra lợi thế vùng.”
Ngoài ra, một yếu tố trước nay vẫn được xem là lợi thế thu hút các dự án đầu tư nước ngoài của Việt Nam là lao động giá rẻ thì nay đã không còn giữ được sức hấp dẫn như trước. Nguồn nhân lực của Việt Nam tuy rất dồi dào nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thiếu công nhân lành nghề là nguyên nhân quan trọng khiến họ không sử dụng hết công suất nhà xưởng. Ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài, nhấn mạnh rằng cần đặc biệt quan tâm mục tiêu cải thiện, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy việc chủ động chuẩn bị và sẵn sàng cung cấp nhân lực là một lợi thế cạnh tranh quan trọng, có tác động lớn đến việc các nhà đầu tư đi đến quyết định đầu tư. Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư Tiến sỹ Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng các ngành chức năng và các địa phương cần đầu tư có trọng tâm, chiến lược lâu dài về nguồn nhân lực: Đã đến lúc Việt Nam cần phải đầu tư một cách thực sự để đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao. Việc đào tạo, bồi dưỡng này không phải tự cho là cao mà phải gắn với các yêu cầu vị trí, công việc của các nhà đầu tư nước ngoài và phải liên kết rất chặt chẽ với các chương trình đào tạo quốc tế để khi đưa ra được những sản phẩm đào tạo từ cử nhân, thạc sỹ và cao hơn nữa thì phải gắn được với thực tiễn để khi ra thì các nhà đầu tư nước ngoài ít phải đào tạo lại.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, trong năm 2012, việc thu hút FDI sẽ định hướng vào những lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, công nghiệp xanh thân thiện với môi trường, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu... Việt nam hạn chế thu hút đầu tư trong các lĩnh vực phi sản xuất làm gia tăng nhập siêu, gây ô nhiễm môi trường như một số dự án sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng.
Cùng với những dự báo tích cực của nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới, việc chính phủ Việt nam định hướng đổi mới chính sách thu hút FDI sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh của môi trường đầu tư đồng thời làm tăng chất lượng phát triển của nền kinh tế./.