(VOV5) - Cả 2 quốc gia đều đang chống đỡ với sự “bao vây” kinh tế, cấm vận từ Mỹ.
Trong chuyến thăm Nga kéo dài từ 27 - 30/10, hôm nay (29/10), tại Moscow, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến công du thứ hai của nhà lãnh đạo Cuba tới Nga trong vòng chưa đầy một năm và cũng là chuyến thăm song phương thứ 2 ngay trong tháng 10 của lãnh đạo cấp cao 2 nước. Trước đó, hồi đầu tháng, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Cuba và ký nhiều thỏa thuận quan trọng. Những động thái trên cho thấy cả Nga và Cuba đang rất nỗ lực tăng cường hợp tác trong bối cảnh cả hai quốc gia cùng chịu nhiều sức ép từ Mỹ.
Dù cách xa nhau về địa lý nhưng Cuba và Nga là những đồng minh thân thiết từ thời Chiến tranh Lạnh. Hai bên luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả đối thoại chính trị về các vấn đề quốc tế. Trong chuyến thăm Nga tháng 11/2018, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng khẳng định mối quan hệ giữa Nga và Cuba mang tính chất đồng minh, chiến lược. Và hiện nay, việc Nga và Cuba đều chịu sức ép từ Mỹ khiến 2 nước ngày càng xích lại gần nhau.
Ông Miguel Diaz-Canel Bermudez sẽ kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro lãnh đạo Cuba. Ảnh: Debate. |
Sức ép cấm vận
Cả 2 quốc gia đều đang chống đỡ với sự “bao vây” kinh tế, cấm vận từ Mỹ. Riêng Cuba, đất nước chịu cấm vận nhiều thập kỷ, sự phát triển bị ảnh hưởng lớn vì khó có thể thu hút được các nguồn đầu tư nước ngoài, khó có thêm những đối tác chiến lược. Trong một động thái mới nhằm leo thang các biện pháp gây sức ép chống lại Cuba, Chính phủ Mỹ ngày 25/10 tuyên bố đình chỉ tất cả các chuyến bay đến Cuba, ngoại trừ thủ đô La Habana. Đây là biện pháp thứ hai mà Mỹ công bố chỉ trong vòng 1 tuần qua để thắt chặt các hoạt động đi lại bằng đường hàng không tới đảo quốc Caribe này. Việc các biện pháp cấm vận nhằm vào hoạt động du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và là nguồn thu ngoại tệ chính cho “hòn đảo tự do”, khiến kinh tế Cuba thêm khó khăn. Tính chung, ngành du lịch nước này đã bị thiệt hại 38 tỷ USD do Mỹ áp đặt cấm vận thương mại trong nửa thế kỷ qua.
Trong khi đó, trong chương trình trả lời phỏng vấn trực tuyến “Direct Line” tại thủ đô Moscow ngày 20/6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các biện pháp cấm vận của phương Tây, trong đó có Mỹ, đối với Nga, từ năm 2014 đến nay đã làm kinh tế Nga thiệt hại 50 tỷ USD. Các lệnh cấm vận này tập trung vào các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, tài chính và ngân hàng, vốn đem lại lợi nhuận lớn cho Nga. Cũng đã có thời điểm nền kinh tế Nga xuất hiện một vài dấu hiệu suy thoái nhỏ, đồng ruble của Nga giảm giá so với đồng USD. Theo giới chức Nga, phương Tây sẽ không sớm thay đổi thái độ đối với Nga nên nước này cần phải củng cố nền kinh tế để đảm bảo vị thế.
Hợp tác hiệu quả
Trong bối cảnh Nga hứng chịu các biện pháp trừng phạt bởi Mỹ và phương Tây thì hợp tác với các nước Mỹ la tinh, giúp giảm bớt các rủi ro, đồng thời gia tăng uy tín của Nga trên trường quốc tế. Vì vậy, Nga luôn tìm cách hợp tác, hỗ trợ các nước Mỹ Latinh, trong đó có Cuba cả về kinh tế lẫn quân sự. Minh chứng là trong chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Meveded từ 3- 5/10 vừa qua, hai bên đã ký 8 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, khoa học - kỹ thuật, công nghiệp và hải quan. Hai nước nhất trí tăng cường các mối quan hệ chiến lược, hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và khuyến khích sáng tạo, ký thỏa thuận liên quan tới việc cấp vốn cho các dự án bảo trì máy bay của hãng hàng không dân dụng Cuba do Nga sản xuất.
Đáng chú ý, trong chuyến thăm, Thủ tướng Medvedev đã khởi động máy khoan đầu tiên của mỏ dầu “Boca de Haruko” có trữ lượng hơn 3 tỷ tấn. Khi dự án hợp tác giữa tập đoàn dầu mỏ Nga “Zarubezhneft” và công ty Cubapetroleo được thực hiện, sản lượng khai thác sẽ đủ đáp ứng được nhu cầu trong nước của Cuba.
Các thỏa thuận hợp tác này chính là một liều thuốc “trợ lực” quan trọng và đúng lúc, giúp đảo quốc vùng Caribe chống đỡ, trụ vững trước sức ép từ Mỹ. Tuyên bố giúp đỡ mà Nga dành cho Cuba không phải là giúp đỡ không hoàn lại như thường thấy thời trước năm 1990, quan hệ hai nước giờ đây mang tính chất “hữu nghị song thực tiễn”, còn hợp tác thì “đôi bên cùng có lợi”. Tuyên bố trên cho thấy Nga coi Cuba là đối tác thực thụ, cũng như Moscow tìm kiếm một quan hệ hợp tác hiệu quả và thực chất tại La Habana.
Thúc đẩy hợp tác với Nga, đất nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, là một cường quốc quân sự, có tiếng nói trọng lượng trên trường quốc tế, sẽ là chỗ dựa, là bảo đảm cho Cuba thực hiện bước chuyển mình mạnh mẽ vì sự phồn vinh và phát triển. Còn việc củng cố quan hệ với Cuba giúp Moscow mở rộng vai trò và vị thế tại khu vực từng được xem là nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ.
Với cơ sở là quan hệ hữu nghị truyền thống đang được hai nước phát triển một cách kỹ lưỡng, thực chất và hiệu quả, Nga và Cuba đang hướng tới mục tiêu vượt qua cấm vận để cùng phát triển.