(VOV5) - Cuộc chạy đua quân sự giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga đã bước lên một nấc thang mới khi gần đây Anh tuyên bố đưa thêm 800 binh sĩ và máy bay chiến đấu áp sát sườn phía đông nước Nga. Sự việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi biên đội tàu sân bay Nga di chuyển gần bờ biển một số nước trong khối NATO. Vụ việc này đang đẩy quan hệ giữa Moscow với khối này gia tăng căng thẳng, đe dọa gây mất ổn định tình hình châu Âu.
|
Binh sỹ NATO tham gia cuộc tập trận ở Hohenfels, miền Nam nước Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 7/2016 quan hệ Nga-NATO nhìn chung không có bất kỳ tín hiệu tích cực nào và xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự đang ngày càng gia tăng.
NATO tăng cường an ninh phòng thủ
Mới đây, Anh thông báo khoảng 800 binh sỹ Anh cùng xe tăng, súng ống, máy bay không người lái sẽ tiến đến Estonia vào đầu năm tới, trong một nỗ lực của NATO nhằm khẳng định lại cam kết bảo vệ các nước vùng Baltic. Số binh sỹ này tăng thêm 300 quân so với dự kiến mà Anh đưa ra hồi đầu năm và đây được coi là đợt triển khai quân dài hạn lớn nhất của Anh đến một trong những nước láng giềng của Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay. Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh, quân đội Anh sẽ đóng quân tại căn cứ quân sự Tapa trong thời gian sáu tháng. Bốn tiểu đoàn của NATO được triển khai để ứng phó với mối lo ngại rằng Nga có thể đe dọa các nước đồng minh phía Đông của NATO. Động thái này diễn ra trong bối cảnh NATO ngày càng lo ngại rằng đội tàu chiến Nga tới Syria có khả năng được sử dụng để tấn công các mục tiêu tại thành phố Aleppo ở quốc gia Trung Đông này.
|
Một cuộc triển lãm khí của khối NATO. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Quyết định của Bộ quốc phòng Anh NATO tăng cường số binh sĩ gần biên giới Nga gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga. Đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksander Grushko ngày 31/10 tuyên bố Moscow sẽ không bỏ qua các hành động này và cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả. Theo ông Grushko, động thái mà quân đội Anh gọi là “tăng cường phòng thủ an ninh cho đồng minh” thực chất lại đang làm xói mòn an ninh trong khu vực. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh hành động này của Anh và NATO không phù hợp với Hiệp ước Cơ sở Nga-NATO được 2 bên ký kết năm 1997, theo đó NATO không được bố trí thêm lực lượng đáng kể trên cơ sở thường trực sát biên giới Nga. Hành động này buộc Nga phải đẩy các lực lượng vũ trang ra sát rìa đông biên giới để đảm bảo an ninh cho chính mình.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw (Ba Lan) hồi tháng 7, NATO đã quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực sườn phía Đông của khối bắt đầu từ đầu năm 2017, với việc triển khai 4 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn khoảng 1.000 quân đóng luân phiên tại Ba Lan và 3 nước Baltic là Estonia, Latvia và Litva. Anh, Canada, Đức và Mỹ đã nhất trí giữ vai trò chỉ huy 4 tiểu đoàn nói trên, trong khi 24 quốc gia đồng minh NATO sẽ đóng góp về vận tải, thông tin liên lạc và y tế.
Nguy cơ chạy đua vũ trang
Giới quan sát nhận định các động thái dồn dập này là lần động binh lớn nhất của NATO kể từ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lại khẳng định NATO không tìm kiếm sự đối đầu với Nga và khối này không muốn thấy một cuộc chạy đua vũ trang. Những gì NATO làm chỉ mang tính chất phòng thủ. Tuy nhiên, lập luận của NATO không thuyết phục được Nga nghĩ khác. Nga liên tục tuyên bố hành động triển khai quân và bố trí lá chắn tên lửa của NATO là hoạt động gây hấn và đe dọa trước ngưỡng cửa Nga. Việc NATO đang dần dần áp sát vào Nga có thể làm phương hại đến hòa bình giữa Đông và Tây.
Thực tế, Nga cũng không chiụ khoanh tay đứng nhìn. Trong các động thái đáp trả, Moscow đang nắm trong tay con át chủ bài trên thực địa là tỉnh Kaliningrad, vốn nằm sâu trong lòng châu Âu. Đầu tháng 10, Nga đã triển khai tới tỉnh này hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander với tầm bắn hơn 500km và khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Biên đội tàu sân bay Nga gồm 8 tàu đã vào eo biển Manche. Quân đội Nga cũng liên tục tổ chức các cuộc tập trận bất ngờ quy mô lớn gần biên giới với NATO. Hàng trăm nghìn binh sĩ và các thiết bị quân sự đã được huy động cho các cuộc tập trận mà Nga gọi là để kiểm tra năng lực sẵn sàng chiến đấu trong tình huống khẩn cấp.
Quan hệ giữa phương Tây và Nga nói chung và quan hệ NATO và Nga nói riêng đã xuống tới mức thấp nhất sau Chiến tranh Lạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, với đỉnh điểm là Nga sáp nhập bán đảo Crime và mới đây là cuộc khủng hoảng tại Syria. Theo đánh giá của giới phân tích, nếu như Nga là phía chịu thiệt hại nhiều hơn về kinh tế khi đình trệ hợp tác với phương Tây, thì NATO lại là bên bị ảnh hưởng nặng nề về mặt an ninh, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan cũng như cả khu vực Trung Đông và hiện nay là cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở chính trong lòng châu Âu. Quan hệ xấu đi giữa Nga với NATO và Liên minh châu Âu làm tổn hại tới nhiều lợi ích của các bên.