Nghị quyết Chính phủ giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất

(VOV5)  Năm 2011 có thể coi là năm đầy sóng gió đối với các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã phải nỗ lực để tồn tại được trong thời gian khó khăn này. Năm 2012, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đứng trước nhiều thách thức. Xác định sẽ phải cố gắng nhiều hơn so với năm năm qua, song các các doanh nghiệp VN mong muốn sẽ có nhiều thuận lợi từ chính sách điều hành của Chính phủ trong một năm mới mà dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Cuối năm 2011, Ban Thư ký Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tiến hành cuộc điều tra lấy ý kiến doanh nghiệp về việc “Chính phủ có nên kiên trì thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ cho tới khi kinh tế vĩ mô bình ổn hay không?”. Nhìn chung, phần đông các doanh nghiệp, đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của Nghị quyết 11 đều đồng tình với quan điểm của Chính phủ về ưu tiên hàng đầu, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiến tới tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Các doanh nghiệp đánh giá điều kiện và môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2012 ở mức 2,45 điểm/4 điểm, giảm hơn so với mức 2,88 điểm của điều tra năm 2011. Tuy nhiên đa phần, các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Có đến gần 69% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh  trong ba năm tới vì những tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. Và vì đây cũng là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc một công ty xuất khẩu trong ngành da giầy cho rằng trong năm 2012, doanh nghiệp mong muốn chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh linh hoạt cho doanh nghiệp: “Hiện doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay vốn với lãi suất  7-7,5%, thực ra với vay ngoại tệ mức vay nên áp dụng là 6% trở xuống. Các đơn hàng cho đầu năm 2012 còn nhiều khó khăn. Đặc biệt các đơn hàng cho đầu năm 2012 các doanh nghiệp EU còn chưa xác định. Hiện nay chúng tôi chủ yếu xuất sang thị trường Châu Phi, Ả rập. Trước những khó khăn như vậy chúng tôi có kế hoạch và tính toán mở rộng thị trường”. 


Nghị quyết Chính phủ giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất - ảnh 1
Ảnh minh họa
 Năm 2012, trong bối cảnh Chính phủ phải tiếp tục mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ vẫn phải thắt chặt, lãi suất chưa thể giảm ngay, nhiều lo âu nhất có lẽ chinh doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp tục gặp khó khăn về vốn. Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, năm 2011, từ Nghị quyết 11 của Chính phủ, Hiệp hội thành lập Quỹ Tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhằm hỗ trợ những điều mà doanh nghiệp cần như: hỗ trợ mặt bằng sản xuất, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, đổi mới công nghệ.


“Quan điểm của Hiệp hội là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có quy định mới để làm sao giảm bớt thủ tục mà là rào cản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ chú ý hơn đến phương án cụ thể của doanh nghiệp, khi đó thì chính sách hỗ trợ tài chính sẽ đến được nhiều hơn với doanh nghiệp. Hiện Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu chính sách này. Bộ Kế hoạch đầu tư đã trình lên Chính phủ và xin ý kiến các bộ ngành, phấn đấu quý 1 năm 2012 thực hiện được chính sách Hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Nam cho biết.

Thực tế hoạt động từ chính các doanh nghiệp cho thấy chính sách thuế và tín dụng là 2 chính sách ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp. Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về hợp tác đầu tư cho rằng, chính sách tín dụng cần linh hoạt và phù hợp với bối cảnh, để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Về chính sách thuế, mới đây, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị sửa 16 luật từ thuế giá trị gia tăng cho đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn và phát triển được.    

Năm 2012 vẫn có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, khi Chính phủ đề ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm lạm phát. Chính điều này là điều kiện đưa lãi suất cho vay giảm xuống. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có chủ trương giảm, dãn thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính…hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn hiện tại, phục hồi sản xuất kinh doanh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc trợ giúp các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp có được sức bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, Chính phủ cần có những đột phá và mạnh mẽ hơn nữa, bởi nguồn lực này có mạnh thì kinh tế đất nước mới phát triển và bền vững./.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin/bài khác