Nhà nước luôn quan tâm đến những nhu cầu tôn giáo chính đáng của nhân dân

(VOV) - Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2012 của Ban tôn giáo chính phủ diễn ra ngày 28/2, hai nội dung quan trọng được thảo luận là tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị 01 của Thủ tướng về một số công tác đối với đạo Tin lành và sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị 1940 của Thủ tướng về nhà, đất liên quan đến tôn giáo. Tại Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến những nhu cầu tôn giáo chính đáng của nhân dân.


Nhà nước luôn quan tâm đến những nhu cầu tôn giáo chính đáng của nhân dân  - ảnh 1
Nhà thờ Bảo Lộc, Lâm Đồng (Ảnh: Internet)


Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 1940, chính quyền các cấp luôn chú ý đến nhu cầu sử dụng nhà, đất của các tổ chức tôn giáo như một trong những điều kiện thiết yếu để hình thành cơ sở tôn giáo và phục vụ hoạt động tôn giáo. Những vướng mắc trong đăng ký sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo đã dần được tháo gỡ. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian tới, Việt nam tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về nhà đất liên quan đến công tác tôn giáo, giải quyết tốt, không để xảy ra các điểm nóng về vấn đề tôn giáo, phối hợp với các địa phương thực hiện việc cấp nhà đất cho các tổ chức tôn giáo. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các địa phương kịp thời thống kê tình hình nhà đất liên quan đến tôn giáo, định kỳ báo cáo Thủ tướng chính phủ. Phó thủ tướng nhấn mạnh: Chế độ đất đai ở Việt nam là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, nhà nước quản lý chứ không phải có bất cứ cá nhân nào nhưng nhà nước quan tâm đến nhu cầu chính đáng , có quy hoạch, có giấy phép, thực hiện mềm mỏng, đúng pháp luật của nhân dân.

Nhà nước luôn quan tâm đến những nhu cầu tôn giáo chính đáng của nhân dân  - ảnh 2
Hàng ngàn người tham gia lễ Phật đản (Ảnh: Internet)


Chỉ thị 01 của Thủ tướng chính phủ ban hành năm 2005 đã làm chuyển biến căn bản tình hình đạo Tin lành theo hướng ổn định hơn, giảm khiếu kiện và các vụ phản ứng phức tạp. Đến nay đã có hơn 857.000 tín đồ Tin lành, hoạt động nề nếp, tuân thủ pháp luật. Chỉ thị này đã tạo bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước, làm chuyển biến căn bản tình hình đạo Tin lành theo hướng ổn định hơn, giảm khiếu kiện và các vụ việc phản ứng phức tạp. Các tổ chức Tin lành sau khi được công nhận đã hoạt động nề nếp, đồng hành cùng dân tộc. Từ chỗ nhu cầu tinh thần được đảm bảo, đồng bào theo đạo Tin lành, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đấu tranh chống hoạt động mượn danh đạo Tin lành, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đạo Tin lành cũng góp phần loại trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội… Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Ban thường trực Ban tôn giáo chính phủ, bức tranh Tin lành so với năm 2005 chuyển biến rất lớn, rất tích cực so với trước đây. Đồng bào theo đạo Tin lành rất phấn khởi. Quan hệ giữa người theo đạo Tin lành với chính quyền rất cởi mở và nó tỏ rõ chính sách tôn giáo của Đảng và nhà nước Việt nam đối với Tin lành.

Nhà nước luôn quan tâm đến những nhu cầu tôn giáo chính đáng của nhân dân  - ảnh 3

Một buổi lễ ở TPHCM (Ảnh: Internet)


Chỉ thị 01 của Thủ tướng về một số công tác đối với đạo Tin lành và Chỉ thị 1940 về nhà đất liên quan đến tôn giáo là những chính sách quan trọng nhằm cụ thể hoá Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành năm 2004.  Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban tôn giáo chính phủ sớm ban hành Nghị định mới hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, tiến tới xây dựng một đạo luật về tôn giáo để mọi công dân đều có quyền tự do tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ của nhà nước pháp quyền./.

Phản hồi

Các tin/bài khác