Nhanh chóng hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN 2015”.

(VOV5) - Các nước ASEAN đang nỗ lực để hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á. Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng sẽ là tiền đề hình thành một mô hình một cộng đồng chung của khu vực cả về kinh tế - an ninh – xã hội.  Thời gian không còn nhiều, trong khi những thách thức lại rất lớn, đòi hỏi ASEAN cần phải nhanh chóng thực hiện các dự án phát triển nội khối, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của các đối tác lớn cho quá trình này.


Nhanh chóng hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN 2015”. - ảnh 1
ICC nơi diễn ra AMM và các Hội nghị liên quan.

Để hình thành thị trường chung, một cơ sở sản xuất và phân phối chung, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thực hiện tự do luân chuẩn 5 yếu tố: đó là nguồn vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành, các dòng thuế sẽ chuyển về 0%. Nếu thành công, Cộng đồng kinh tế sẽ là một thành tựu có tính tiêu biểu cho sự hòa nhập khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nước thành viên.

Nỗ lực vượt qua thách thức

Thực tế là ASEAN đã đạt được không ít tiến bộ trong quá trình hội nhập  kinh tế khu vực, đặc biệt là có những quan điểm thống nhất cao trong nhiều vấn đề quan trọng. Cho đến thời điểm này, các nước thành viên ASEAN gần như đã hoàn thành 80% các giải pháp nêu trong kế hoạch xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều Hiệp định đã được triển khai toàn diện như Hiệp định đầu tư, Hiệp định ASEAN về di chuyển con người, triển khai thí điểm chương trình Một cửa ASEAN … Các nước ASEAN cũng đang tiếp tục thảo luận vấn đề tăng tốc các cuộc đàm phán để có thể ký kết Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm 2015. Hiệp định này sẽ tạo ra một thị trường có tổng sản phẩm quốc nội GDP đạt khoảng 20 nghìn tỷ đôla và chiếm tới hơn 40% thương mại toàn cầu. Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng phần việc còn lại cho 2 năm tiếp theo rất nặng nề: “Phần việc còn lại trong 2 năm tới còn lớn, đặc biệt là khi triển khai khó khăn hơn đòi hỏi các nước phải nỗ lực nhiều hơn, mức độ cam kết cao hơn. Điều quan trọng nữa là các đối tác thể hiện quyết tâm sẵn sàng hỗ trợ ASEAN thực hiện quá trình này”.

Kinh tế khu vực trong những năm qua chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng bắt đầu suy giảm do đầu tư cũng như xuất khẩu giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, sự phát triển thiếu cân đối của các vùng miền. Đây là những thách thức không nhỏ cho ASEAN trên con đường xây dựng cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Gita Wirjawan cho rằng: “Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ được kiểm chứng vào cuối năm 2015. Nhưng trước khi đi đến quá trình kiểm chứng đó, hầu hết các nước ASEAN đều nhận thấy rằng mọi thứ không dễ dàng  như kế hoạch chúng ta đã đưa ra hồi năm 2003”. 

Mặc dù cũng có những lo ngại giống với Bộ trưởng Bộ thương mại Indonesia, song ông Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu, đồng thời là cựu Đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc, cho rằng Lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đi đúng hướng và tiến độ: “Thật sự chúng ta không nên quá mong đợi vào việc chỉ sau 1 đêm cuối cùng của năm 2015, ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế lớn mạnh. Nhưng tôi vẫn tin rằng, chúng ta đã được những tiến bộ không nhỏ”.

Tích cực đóng góp vào mục tiêu chung

Cộng đồng kinh tế chung ASEAN thành lập năm 2015 là kết quả tất yếu của quá trình hợp tác liên kết khu vực. Việc tận dụng cơ hội và vượt qua thử thách phụ thuộc nhiều vào năng lực quản lý và khả năng thích ứng của từng quốc gia. Việt Nam cũng đang cùng với các nước ASEAN tích cực hoàn thành nốt phần việc còn lại cho quá trình hội nhập kinh tế ASEAN. Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành khoảng 85% cam kết liên quan đến xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, song cũng như nhiều nước thành viên khác, 2 năm tới là khoảng thời gian phải nỗ lực rất nhiều cho phần công việc còn lại. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cho biết: “Trong thời gian tới, đi vào hình thành cộng đồng ASEAN, đặc biệt là liên kết về mặt kinh tế sẽ ở mức độ cao hơn rất nhiều. Không chỉ tính số đầu việc được thực hiện mà còn tính chất lượng thực hiện như thế nào để đảm bảo rằng ASEAN trở thành một thị trường thống nhất, không gian sản xuất thống nhất, cạnh tranh được với nền kinh tế toàn cầu… Phải làm sao để người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu được thách thức và cơ hội trong việc hình thành cộng đồng kinh tế vào năm 2015 để chúng ta có thể chuẩn bị một cách tốt nhất”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra trên tinh thần là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, có những đóng góp vào những mục tiêu chung của ASEAN và tiếp tục chia sẻ những biện pháp cần thiết với các đối tác vì lợi ích của toàn khu vực. Khoảng thời gian hai năm tới là thời kỳ hết sức bận rộn của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trên con đường trở thành một động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác