Nhật Bản - Ấn Độ nỗ lực xây dựng đối trọng ở Châu Á

(VOV5) - Tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Nhật Bản. Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, chuyến công du 5 ngày của Thủ tướng Narendra Modi đến Tokyo, không chỉ đưa mối quan hệ song phương Ấn - Nhật lên tầm cao mới mà còn là một bước đi nhằm hình thành và củng cố liên minh mới ở khu vực. 


Phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp báo chung đã phần nào chuyển tải thông điệp rõ ràng về tham vọng cũng như quyết tâm của hai bên trong việc tìm kiếm thịnh vượng chung. Trong khi Thủ tướng N.Modi quả quyết cách thức mà Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác với nhau sẽ quyết định tương lai của thế kỷ Châu Á, thì Thủ tướng S.Abe lại không ngần ngại khẳng định mối quan hệ với Ấn Độ là có nhiều tiềm năng nhất trên thế giới và mối quan hệ này tất yếu phải được nâng tầm, trở thành đối tác chiến lược đặc biệt và mang tính toàn cầu.

Nhật Bản - Ấn Độ nỗ lực xây dựng đối trọng ở Châu Á - ảnh 1

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (ảnh: PTI)


Từ thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương…

Nhật Bản cam kết tăng gấp đôi đầu tư vào Ấn Độ trong 5 năm tới so với mức 2 tỉ USD vào năm 2013 là kết quả nổi bật nhất trong lĩnh vực kinh tế của chuyến công du lần này. Nhật Bản cũng dành cho Ấn Độ khoản vay 50 tỉ yen (khoảng 480 triệu USD) để phát triển các dự án hạ tầng. Một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân Ấn Độ tháp tùng Thủ tướng N.Modi đến Nhật Bản cùng nhiều hợp đồng được ký kết trong chuyến thăm cũng là chỉ dấu cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng khu vực Châu Á. 

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là trong chuyến công du tới Nhật Bản của Thủ tướng N. Modi, lãnh đạo hai nước đã thông qua thỏa thuận Ấn Độ sẽ hợp tác sản xuất đất hiếm để xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo đó, mỗi năm, Nhật Bản sẽ nhập khẩu từ 2.000 đến 2.300 tấn đất hiếm, tương đương 15% nhu cầu sử dụng của các nhà sản xuất Nhật Bản mỗi năm, và đợt giao hàng đầu tiên dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 2/2015. Đất hiếm là nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo các sản phẩm công nghệ cao và hiện nay Trung Quốc gần như độc quyền về nguyên liêu này, chiếm tới 60% nguồn cung cho Nhật Bản. Vì thế, thỏa thuận này cho thấy quyết tâm của Nhật trong việc tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Bên cạnh lĩnh vực đất hiếm, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ, hai bên còn nhất trí xúc tiến kế hoạch đàm phán để Tokyo bán cho New Dehli 15 chiếc thủy phi cơ US-2, mặt hàng từng nằm trong diện bị cấm xuất khẩu và chuyển giao quốc phòng trong gần 50 năm qua của Nhật Bản trị giá 1,65 tỷ USD. Như vậy, Ấn Độ đã trở thành quốc gia "mở hàng" mua máy bay quân sự Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ II. Ngoài việc mua thủy phi cơ US-2, Nhật Bản cũng sẽ cho phép Ấn Độ hợp tác sản xuất các trang thiết bị của loại máy bay này trên lãnh thổ Ấn Độ.


Đặc biệt, Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi quyết định "nâng cấp và đẩy mạnh" quan hệ quốc phòng, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thể thức hóa các cuộc tập trận hàng hải song phương, cũng như việc Nhật Bản tiếp tục tham gia các cuộc tập trận Malabar giữa Ấn Độ và Mỹ.

Đến tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng

Thời gian gần đây, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều hết sức lo ngại về tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Hai nước cũng rất nóng lòng muốn kiềm chế các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Tokyo và New Dehli từ lâu vẫn có các cuộc tranh chấp lãnh thổ riêng với Bắc Kinh và đáng chú ý, mức độ các tuyên bố chủ quyền được Bắc Kinh đẩy mạnh trong những năm gần đây càng gia tăng các mối lo ngại trong khu vực. Mặc dù cả Thủ tướng S.Abe lẫn Thủ tướng N.Modi đều không trực tiếp đề cập mối quan hệ với Trung Quốc, song theo các nhà quan sát, những nội dung bàn thảo và những phát biểu trong chuyến thăm giữa hai nhà lãnh đạo là những quan điểm, chính sách đối ngoại rõ ràng của Tokyo và New Dehli cùng bắt tay nhau trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. 

Tạo đối trọng ở khu vực, củng cố quan hệ hai chiều cùng có lợi

Thực tế, kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ của ông N. Modi đã thông báo kế hoạch tăng cường phòng thủ tại biên giới với Trung Quốc nói riêng và củng cố sức mạnh quân sự nói chung. Không chỉ vậy, New Delhi và Tokyo gần đây còn tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua các cuộc tập trận hải quân chung. Trên quy mô rộng hơn, tàu chiến Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ mới tiến hành các cuộc diễn tập chống tàu ngầm ở Thái Bình Dương.


Rõ ràng, việc Nhật Bản và Ấn Độ lựa chọn là đối tác để hợp tác trong các lĩnh vực nhất là an ninh, quốc phòng cho thấy chính quyền hai nước đang thực hiện những bước đi nhằm xây dựng liên minh mới. Với Nhật Bản, liên minh với Ấn Độ sẽ giúp Tokyo có cơ hội tăng cường xuất khẩu sang quốc gia có dân số khổng lồ, hợp tác về an ninh nhằm đối phó với rủi ro đang ngày một gia tăng do sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Với Ấn Độ, xây dựng liên minh với Nhật sẽ giúp tân Thủ tướng N. Modi hiện thực hóa cam kết tranh cử là lấy lại sức mạnh, tầm ảnh hưởng của New Delhi trên trường quốc tế và khu vực. Trên cương vị tân Thủ tướng Ấn Độ, ông N. Modi đã vạch ra một tầm nhìn cho chính sách ngoại giao của mình bằng chuyến thăm Nhật kéo dài 5 ngày.Vì vậy, trong thời gian tới, cái bắt tay nồng ấm giữa Tokyo và New Dehli chắc chắn sẽ đem đến những ảnh hưởng lớn về địa chính trị ở khu vực, vốn đã nhiều biến động./.

Phản hồi

Các tin/bài khác