(VOV5) - Trái với những dự đoán ban đầu của giới quan sát, sau 2 ngày đàm phán (25 - 26/2), tại Cộng hoà Kazakhstan, Iran và nhóm P5 +1 (gồm 5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) đã đạt được những bước tiến tích cực về chương trình hạt nhân của Iran. Kết quả này thắp lên hy vọng khai thông bế tắc kéo dài hàng thập kỷ qua về vấn đề này giữa các bên.
|
Ngoại trưởng Kazakhstan Yerlan Idrisov (trái) gặp gỡ Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili. Ảnh: Reuters |
Ngay sau khi kết thúc đàm phán, đại diện của Iran và nhóm P5+1 đều khẳng định các cuộc thảo luận đã diễn ra tích cực. Điều này thể hiện qua việc cả 2 bên nhất trí tổ chức đàm phán cấp chuyên viên trong 2 ngày 17 và 18/3, tại Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc đàm phán kế tiếp giữa P5+1 và Iran vào ngày 5 và 6/4, tại Kazakhstan. Ngoài ra, nhóm P5+1 cũng nhượng bộ khi đưa ra đề xuất nới lỏng cấm vận về vàng và kim loại quý hiếm thay cho các đề nghị trước đây là chỉ dỡ bỏ cấm vận đối với các linh kiện máy bay dân dụng để đổi lấy việc Iran ngừng một phần chương trình hạt nhân của mình. Cụ thể, 5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức sẽ nới lỏng các lệnh cấm vận nhằm vào các giao dịch vàng và kim loại quý hiếm của Iran, đồng thời dỡ bỏ những hạn chế đã từng áp đặt với các giao dịch ngân hàng của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đổi lại, Iran sẽ phải ngừng làm giàu urani cấp 20% và phải đóng cửa nhà máy Fordow, nơi phương Tây nghi là đang sản xuất urani, đồng thời chuyển toàn bộ kho urani ra ngoài nếu như chúng không cần dùng cho các mục đích y tế.
|
Nhìn nhận về vấn đề này, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Saeed Jalili cho rằng các cường quốc phương Tây đang ngày một thực tế hơn trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của Tehran và cho biết vấn đề này có thể sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán kế tiếp với quan điểm xây dựng niềm tin. Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi bày tỏ lạc quan về các cuộc đàm phán trong tương lai với P5+1 sau cuộc gặp mang tính lịch sử ở Kazakhstan. Ngoại trưởng Iran cho rằng kết quả này là vì lợi ích cho cả hai phía và mọi thứ đang ở thời điểm bước ngoặt. Trong khi đó, Cao Ủy Liên minh châu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Catherine Ashton bày tỏ hy vọng sẽ nhận được phản ứng tích cực từ Iran liên quan tới đề xuất của P5+1. Theo bà Catherine, đề xuất này đã được thảo luận kỹ, dưới sự ủy nhiệm của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, nhằm xây dựng lòng tin và giúp thúc đẩy các cuộc đối thoại. Các nước phương Tây cũng thừa nhận việc nới lỏng lệnh trừng phạt về kinh doanh vàng mới chỉ là một bước khá khiêm tốn. Tuy nhiên, vàng có thể được sử dụng như là phương tiện giao dịch thương mại nên có thể giúp Iran thoát khỏi những khó khăn do trừng phạt tài chính của Mỹ và Liên minh châu Âu. Nga và Trung Quốc cũng đều nhận định cuộc đàm phán lần này là thẳng thắn, hữu ích và mang tính xây dựng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang công du châu Âu cũng nhận xét 2 ngày đàm phán hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thật sự hữu ích và một cam kết nghiêm túc của Iran có thể mang đến một thỏa thuận toàn diện, lâu dài. Ngoài ra, ông Kerry còn nhắc lại rằng Washington sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Tehran.
Tuy cả 2 phía đều tỏ ra lạc quan về kết quả đàm phán nhưng để đạt được những thoả thuận cụ thể xem ra còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các bên cần nhượng bộ hơn nữa. Một điều kiện tiên quyết của phương Tây để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt là Iran đóng cửa cơ sở hạt nhân dưới lòng đất Fordow. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, Thư ký Hội đồng An ninh tối cao Iran, Saeed Jalili vẫn bảo lưu quyền của Tehran phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình và cho rằng nhà máy Fordow hiện đang nằm dưới sự giám sát của cơ quan hạt nhân Liên hợp quốc, do đó không có lý do gì để đóng cửa nhà máy này. Về việc ngừng làm giàu urani cấp độ 20%, Thư ký Hội đồng An ninh tối cao Iran cho biết vấn đề này có thể sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán kế tiếp.
Cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran ở Kazakhstan tuy không có bước đột phá nhưng rõ ràng đã có tiến bộ, giúp các bên tham gia kỳ vọng về những điều tích cực trong vòng đàm phán tiếp theo. Dấu hiệu này nhen nhóm khả năng khai thông bế tắc kéo dài hàng thập kỷ liên quan chương trình hạt nhân gây bất đồng của nước Cộng hòa hồi giáo này./.