(VOV5) -Vòng đàm phán mới giữa phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc làm trưởng đoàn.
Sáng 30/1 (giờ địa phương), các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành vòng đàm phán cấp cao mới tại thủ đô Washington nhằm tiếp tục tháo gỡ những bất đồng và khác biệt xung quanh các chính sách thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong 2 ngày đàm phán, đại diện 2 quốc gia trao đổi nhiều vấn đề tuy nhiên những diễn biến bên ngoài cuộc đàm phán lại báo hiệu nhiều khó khăn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Nhiều rào cản trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung |
Đây là cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa hai bên tại Nhà Trắng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12 năm ngoái nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày để tiến hành thương lượng nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng. Vòng đàm phán mới giữa phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc làm trưởng đoàn.
Thời hạn chót đang đến gần
Diễn ra trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đang cùng tìm kiếm những giải pháp nhằm đạt được thỏa thuận giữa hai bên trước thời điểm cuối được đặt ra vào đầu tháng 3 tới. Nếu không tìm ra phương án phù hợp cho cả 2, phía Mỹ sẽ đánh mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa giá trị 200 tỷ USD của Trung Quốc.
Những phàn nàn của Mỹ, cùng với cáo buộc gián điệp mạng của Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của nước này và một chiến dịch có hệ thống nhằm thâu tóm các hãng công nghệ của Mỹ, đã được chính quyền của Tổng thống Donald Trump sử dụng để biện minh cho đòn trừng phạt thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 2/3 tới nếu hai bên không đạt được thỏa thuận và cũng sẽ áp mức thuế mới đối với số còn lại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lễ bỏ mả của người Raglai được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia |
Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc cho rằng các chính sách của nước này nhằm buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, nhấn mạnh đến các biện pháp đã thực hiện như giảm thuế ôtô và một dự thảo luật đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện khả năng tiếp cận cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng như cam kết cấm sử dụng các biện pháp hành chính nhằm ép buộc chuyển giao công nghệ. Dự thảo luật đầu tư nước ngoài mới đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua, trong đó có các điều khoản cấm ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ như một điều kiện để được tiến vào thị trường Trung Quốc. Gần như 90% dự luật sẽ được thông qua trong cuộc họp ngày 5-3 tới.
Còn rất nhiều vướng mắc
Trong khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có tiến triển thì nhiều động thái của Mỹ lại khiến dư luận dự đoán không mấy khả quan về quan hệ thương mại song phương. Cùng ngày diễn ra cuộc đàm phán thương mại, Mỹ đã trình Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) 70 câu hỏi liên quan đến các chương trình trợ cấp của Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh mối quan ngại về vai trò của nhà nước trong thị trường đang phát triển của Trung Quốc. Các câu hỏi của Mỹ xoay quanh các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cho nghề cá và hoạt động của các quỹ do chính phủ quản lý nhằm tìm cách thúc đẩy sự đổi mới trong nước ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ kỹ thuật, robot, đến công nghệ sinh học và năng lượng sạch.
Trước đó, ngày 28/1, nhà chức trách Mỹ đã cáo buộc tập đoàn Huawei và bà Mạnh Vãn Chu cùng 2 công ty con của Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Trong bản cáo trạng gồm 13 tội danh, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Huawei đã lừa dối một ngân hàng quốc tế và nhà chức trách Mỹ về quan hệ giữa họ với 2 công ty con là Skycom Tech và Huawei Device USA để tiến hành các giao dịch tại Iran. Trước động thái này của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng ngay hành động "đàn áp vô căn cứ" các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei, đồng thời dỡ bỏ lệnh bắt giữ đối với bà Mạnh Vãn Chu. Bắc Kinh khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Trong khi đó, tại cuộc điều trần về các mối đe dọa nước ngoài tại Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray ngày 29/1 lại tiết lộ: “gần như tất cả 56 văn phòng FBI trên khắp nước Mỹ đang điều tra các nghi án gián điệp kinh tế. Không phải tất cả nhưng phần lớn những cuộc điều tra đó cho thấy nó đều dẫn tới Trung Quốc".
Rõ ràng, về tổng quan, những thông tin trên không hề có lợi cho quan hệ Mỹ - Trung và ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán thương mại mà 2 bên đang xúc tiến.
Trong bối cảnh chỉ còn khoảng một tháng nữa là tới thời hạn chót phải đạt được thỏa thuận thương mại làm hài lòng cả Mỹ và Trung Quốc, thì trong 2 ngày đàm phán này, có lẽ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cố gắng tránh sự bế tắc hoàn toàn, đi đến thống nhất 1 số điểm để tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.