(VOV5) -Trước những tín hiệu “chìa cành ô liu” từ CHDC ND Triều Tiên, Mỹ lại tỏ ra không mặn mà.
Liên tục những ngày gần đây, những tín hiệu tích cực tiếp tục được phát đi từ bán đảo Triều Tiên, cho thấy quan hệ giữa hai miền đang có dấu hiệu ấm dần lên. Những phát ngôn, những cử chỉ ngoại giao từ các quan chức hai miền đang đem đến sự hy vọng sẽ trở thành tiền đề cho tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.
Bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên kéo dài trong suốt cả năm 2017, thậm chí có những thời khắc cộng đồng quốc tế đã nghĩ đến một kịch bản xấu nhất là chiến tranh hạt nhân. Vì thế, bất cứ một dấu hiệu tích cực nào trên bán đảo Triều Tiên cũng nhận được sự quan tâm rất lớn.
Đại diện cấp cao Hàn Quốc và Triều Tiên tại một cuộc đàm phán . (Ảnh: THX/TTXVN) |
Liên tiếp tin lành
Ngay trong phát biểu đầu năm mới 2018, Nhà lãnh đạo Triều Tiên bất ngờ những lời lẽ mềm mại khác thường cho người anh em phía Nam, cho biết sẽ gửi một đoàn vận động viên tới tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Pyeongchang ở Hàn Quốc vào tháng 2/2018, đồng thời sẽ có cuộc đàm phán trực tiếp với phía Hàn Quốc về vấn đề này.
Tiếp đó chỉ 2 ngày sau, ông Kim ra lệnh “hồi sinh” đường dây nóng với Hàn Quốc vốn đã "nguội lạnh" suốt gần 2 năm qua. Đây là một sự đảo chiều hoàn toàn của CHDCND Triều Tiên sau một năm căng thẳng và thù địch cao độ với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đề xuất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đáp lại động thái tích cực này từ Bình Nhưỡng, Washington và Seoul cũng tuyên bố không tập trận chung trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông.
Qua 3 vòng đàm phán liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom, CHDCND Triều Tiên đã nhất trí cử một đoàn nghệ thuật gồm 140 người đến tham gia trình diễn tại Olympic PyeongChang 2018, cử đoàn tiền trạm tới Hàn Quốc để kiểm tra các địa điểm trình diễn nghệ thuật tại Thế vận hội mùa Đông Olympic PyeongChang, nhất trí thành lập một đội khúc côn cầu nữ chung tham dự Olympic và diễu hành chung dưới một lá cờ bán đảo Triều Tiên thống nhất. Hai bên cũng bàn về việc tổ chức một "sự kiện văn hóa chung" tại Núi Kim Cương và sử dụng Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong, công viên mùa đông ở CHDCND Triều Tiên.
Quốc kỳ hai nước. (Yonhap) |
Những kết quả này được xem là bước đột phá chưa từng thấy trong lịch sử giao lưu thể thao giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự "tan băng" trong quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc. Điều này cũng đem đến hy vọng Bình Nhưỡng có thể sẽ cởi mở hơn với đối thoại giải quyết các vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Từ cơ hội đến hành động cần thiện chí từ tất cả các bên
Trước những động thái tích cực này, cộng đồng quốc tế đều bày tỏ sự hoan nghênh, kêu gọi tất cả các bên nắm bắt tín hiệu tích cực tại Bán đảo Triều Tiên, giúp đưa tình hình quay trở lại đúng hướng là tìm kiếm hướng giải quyết hòa bình thông qua đối thoại.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quan sát, nếu coi đây là sự khởi đầu tiềm năng cho quá trình tan băng, thì nó cũng chỉ là sự khởi đầu bé nhỏ. Xu hướng tích cực này phải được hiện thực hóa bằng các thỏa thuận cụ thể và cần thiện chí và lòng tin thực sự từ tất cả các bên.
Trước những tín hiệu “chìa cành ô liu” từ Bình Nhưỡng, Mỹ lại tỏ ra không mặn mà. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley mới đây tuyên bố Mỹ không coi đề xuất của Triều Tiên đối thoại với Hàn Quốc là nghiêm túc nếu Bình Nhưỡng không có các bước đi hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân. Mỹ cho rằng CHDCND Triều Tiên từ lâu thường sử dụng các cuộc khủng hoảng hạt nhân để đạt sự nhượng bộ kinh tế từ bên ngoài và có thể đây cũng là bước đi không nằm ngoài toan tính đó. Trên thực tế, chính sách của chính quyền Mỹ Donald Trump đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trong hơn 1 năm qua chưa thực sự rõ ràng.
Rõ ràng, hành trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên còn nhiều gian nan. Nhưng trước những dấu hiệu tan băng trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, dư luận vẫn không khỏi hy vọng về một cuộc đàm phán nghiêm túc của các bên trong thời gian tới, đáp ứng nguyện vọng của người dân trên bán đảo Triều Tiên cùng được chung sống trong hòa bình.