Những điểm mới của dự thảo Luật đất đai sửa đổi

(VOV5) - Dự thảo Luật đất đai sửa đổi hôm nay được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những điểm mới của dự thảo Luật đất đai sửa đổi, trong đó có việc ưu tiên giải quyết quỹ đất phục vụ phát triển nông nghiệp, phân cấp khi thực hiện quy hoạch sử dụng đất và mục tiêu giảm khiếu kiện, tham nhũng liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Sau gần 10 năm thực hiện, Luật đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhưng thực tế thực hiện cũng phát sinh những hạn chế, tiêu cực như: chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, pháp luật về đất đai hiện hành còn nhiều nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa đồng bộ, quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế, lợi ích của nhà nước và người dân về thu hồi, giải phóng mặt bằng chưa được tương xứng. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp. Cùng với việc giải quyết những bất cập nêu trên, dự án Luật đất đai sửa đổi hướng tới mục tiêu ưu tiên cho quỹ đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và diện tích rừng. Ông Uông Chu Lưu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nêu rõ: “Phải bằng chế tài của Luật này để vạch giới hạn nhằm giữ được 3.8 triệu ha đất trồng lúa hai vụ để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.Điều này đòi hỏi phải bổ sung thêm chế tài. Vấn đề là quy hoạch đất đai thế nào, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai ra sao thì cũng phải có điều khoản rõ ràng. Thêm nữa, phải sửa đổi quy định về thời hạn sử dụng đất. Hiện nay đất nông nghiệp theo quy định hiện hành có thời hạn sử dụng là 20 năm đối với đất trồng lúa, trồng cây lâu năm là 50 năm… Bây giờ theo quy định là không phân biệt thời hạn sử dụng đất của cây ngắn hạn hay cây dài hạn mà tất cả đều quy định là 50 năm. Tôi cho  quy định này là tốt bởi vì nó sẽ giúp cho người dân yên tâm đầu tư và có quy hoạch trồng loại cây gì, tạo ra giá trị gia tăng cho tốt”.

Những điểm mới của dự thảo Luật đất đai sửa đổi - ảnh 1
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh: T.L


Dự thảo Luật đất đai sửa đổi quy định 3 cấp trung ương, tỉnh và huyện đều tham gia vào việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Liên quan đến khung giá đất, dự thảo Luật quy định chính phủ quy định khung giá đất và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định cụ thể nhưng không vượt quá khung mà Chính phủ giao. Ông Trịnh Thế Khiết, đại biểu QH thành phố Hà nội, cho rằng: “Chính phủ giao cho cấp tỉnh để quy định giá đất là phù hợp vì nó sẽ rất nhanh. Vì nếu để Chính phủ quy định giá khung ở trên thì khi cấp tỉnh thấy rằng nó rất thấp mà không điều chỉnh được ngay mà phải 2 đến 3 năm. Khi tỉnh đề nghị lên mà Chính phủ chưa điều chỉnh thì cũng không thể thay đổi được giá đất cho phù hợp thực tế”.

Thu hồi đất và cơ chế thu hồi đất là một trong những nội dung mới của dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này. Theo quy định, đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, nhà nước làm chủ đại diện, nhà nước có quyền thu hồi đất phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi cần có thêm những quy định cụ thể để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong thực tế giữa việc thu hồi đất phục vụ mục đích dân sinh và các mục đích khác, từ chính sách đền bù đến giải phóng mặt bằng.

Một điểm mới khác trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi là quy định ký quỹ khi thực hiện các dự án đầu tư. Về điều này, ông Trần Thanh Mẫn, đại biểu Quốc hội tỉnh Cần thơ, nêu rõ: “Lần này ở điều 63 quy định là phải ký quỹ để thực hiện các dự án đầu tư, tôi cho điểm này là hết sức mới. Trước đây, các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương được giao đất nhưng chẳng có ký quỹ gì, đầu tư, giải phóng mặt bằng lam nham rồi để đó, địa phương cũng khó mà đảm bảo vấn đề an toàn. Nhưng tới đây, các dự án này nếu có ký quỹ thì mình sẽ quản lý được. Tức là mình giao dự án nhưng nhà đầu tư không triển khai được dự án thì mình cũng có thể quản lý được để tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng như triển khai các dự án kinh tế xã hội của địa phương”.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 190 điều, tăng thêm 6 chương và 44 điều so với Luật Đất đai 2003, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, dự thảo Luật đất đai lần này đặt ra mục tiêu:  sử dụng hiệu quả đất đai, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp trong sử dụng đất đai và giảm khiếu kiện, tham nhũng về đất đai. Dự thảo Luật đất đai sửa đổi sẽ tiếp tục được chỉnh sửa để trình Quốc hội thông qua trong những kỳ họp tới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác