(VOV5) - Những quyết sách được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này nói lên sự quyết tâm, đồng lòng, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước…
Ảnh minh họa. - Nguồn: dangcongsan.vn |
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, bế mạc chiều nay, 27/11. Trong hơn một tháng làm việc, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết, đặc biệt là các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tiếp theo.
Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp cuối năm, chương trình nghị sự gồm nhiều nội dung quan trọng. Những quyết sách được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này nói lên sự quyết tâm, đồng lòng, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước… trong nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cuộc sống nhân dân
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận và thông qua các báo cáo về kết quả thực hiện và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và 2020. Trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, Quốc hội nhất trí đặt mục tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích, thảo luận kỹ lưỡng nhằm đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tiếp tục chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bà Mai Phương Hoa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho rằng: "Theo thông lệ hằng năm định kỳ họp cuối năm thì xét các báo cáo về kinh tế xã hội. Qua 1 năm nhìn lại thì việc xét báo cáo này là rất quan trọng. Chúng ta đánh giá được kết quả cả năm vừa qua và đề ra phương hướng cho năm tới. Vì thế, tôi cho rằng điểm nhấn là nhất là phiên thảo luận về kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến, đưa ra những kiến nghị rất xác thực".
Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội thông Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Nghị quyết tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Chúng ta cùng khẳng định việc ban hành Nghị quyết về nội dung quan trọng này là một quyết định đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đúng Hiến pháp; tiếp tục thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác dân tộc nhất là dân tộc thiểu số, nhất là vùng rẻo cao, miền núi, biên giới… để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, từng bước vững chắc để miền núi tiến kịp miền xuôi, đồng bào ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Việc Quốc hội có chủ trương cùng Chính phủ hệ thống, tích hợp lại các chính sách đã ban hành nhằm tập trung trong đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp".
Nâng cao hơn nữa công tác xây dựng pháp luật
Nét nổi bật trong kỳ họp Quốc hội lần này là công tác xây dựng pháp luật với việc Quốc hội đã thông qua 11 dự án luật, bộ luật làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành, tạo thể chế phát triển bền vững cho đất nước. Đáng chú ý, sau 3 kỳ cho ý kiến, kỳ họp thứ 8 Quốc hội đã thông qua Bộ Luật lao động (sửa đổi). Quy định về nâng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của đông đảo cử tri và nhân dân. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Quy định tăng tuổi nghỉ hưu đã “đi trước đón đầu” về thách thức già hóa dân số, đồng thời giải quyết hài hòa bình đẳng giới và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới ở Việt Nam: "Bộ Luật lao động được thông qua, có những nội dung, có những vấn đề tác động vài chục năm. Đây cũng là dịp mà chúng ta thực hiện những vấn đề đã cam kết trong các công ước quốc tế cũng như các Hiệp định thương mại. Trong sân chơi chung, chúng ta nội luật hóa để phù hợp với sự vận hành chung của quốc tế nhưng cũng là phù hợp với điều kiện của Việt Nam".
Tiếp nối các kỳ họp trước, hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 tiếp tục được đổi mới. 4 Bộ trưởng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời hàng loạt vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra. Trong 3 ngày, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, khẳng định: "Tôi nhận thấy những vấn đề đại biểu nêu ra tại hội trường đều là những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm. Qua đó, đại biểu đã thực hiện đúng quyền và trách nhiệm đại diện cho nhân dân ở Hội trường Diên Hồng. Người dân và cử tri cảm giác như chính mình đang được chất vấn các Bộ trưởng tại Hội trường Diên Hồng".
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà còn làm tốt vai trò giám sát của mình. Điều cốt lõi nhất chính là sự hài lòng của cử tri và nhân dân cả nước với những quyết sách mà Quốc hội đã thông qua và cho ý kiến; trong đó có những cam kết, lời hứa trước Quốc hội của Chính phủ, các thành viên Chính phủ… nhằm đưa đất nước phát triển ổn định và bền vững.