(VOV5) - Đây là một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp.
Quang cảnh phiên làm việc - Ảnh: vtv.vn
|
Sáng 26/11, thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng nội dung dự thảo bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội là một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp. Cơ chế này sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành.
Ông Tạ Minh Tâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, nêu ý kiến: "Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của tòa án, quyền và nghĩa vụ của các bên, quy trình đối thoại, hóa giải cũng như khi tiến hành công nhận kết quả. Mục tiêu là đảm bảo quá trình hòa giải, đối thoại dù tiến hành với phương thức linh hoạt, phát huy tối đa tự do ý chí và khả năng tự định đoạt của chủ thể tham gia nhưng vẫn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan".
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật, Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức thí điểm và tham khảo luật về hòa giải của 6 quốc gia gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức; tiếp cận và tham khảo luật về hòa giải của hơn 60 quốc gia khác.