(VOV5) - Ngày 6/1 giờ Mỹ, tức ngày 7/1 giờ Việt Nam, khu vực Đồi Capitol, nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington đã chứng kiến những thời khắc được đánh giá là lịch sử.
Theo đó, lần đầu tiên trong hơn 200 năm qua, trụ sở cơ quan lập pháp cường quốc số một thế giới bị xâm nhập, khiến cuộc họp quan trọng của lưỡng viện Quốc hội (Thượng viện và Hạ viện) nhằm kiểm đếm phiếu bầu đại cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, bị gián đoạn trong nhiều giờ.
Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào Điện Capitol ngày 6/1/2021. Ảnh: AP |
Trước khi cuộc họp đặc biệt của lưỡng viện Mỹ diễn ra, hàng trăm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã tập trung biểu tình bên ngoài, nhằm gây sức ép lên cuộc họp theo hướng có lợi cho Tổng thống Trump. Tình hình trở nên mất kiểm soát khi nhiều người biểu tình quá khích tìm cách xông vào bên trong phòng họp của các nghị sỹ, gây nên cảnh tượng hỗn nghiêm trọng tại trụ sở cơ quan lập pháp Mỹ.
Hỗn loạn chưa từng có bên trong Quốc hội Mỹ
Những người biểu tình đã vượt qua hàng rào bảo vệ và xông vào bên trong phòng họp Quốc hội Mỹ khi các nghị sỹ mới chỉ kiểm đếm được 12 trong tổng số 538 phiếu bầu đại cử tri trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/12. Hành động này khiến tiến trình kiểm đếm phiếu phải ngừng lại, đồng thời gây ra cảnh hỗn loạn chưa từng có tại đây. Nhiều tiếng súng đã vang lên và toàn bộ các nghị sỹ được sơ tán ra khỏi nhà Quốc hội theo đường hầm, dưới sự bảo vệ của các nhân viên an ninh. Sự việc này được coi là vụ xâm nhập nghiêm trọng nhất vào trụ sở Quốc hội Mỹ kể từ năm 1814 khi quân đội Anh tấn công vào đây trong một cuộc chiến diễn ra cùng năm.
Ngay lập tức, cộng đồng thế giới đã có những phản ứng đầy lo lắng. Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình bạo lực đang phá vỡ quy trình dân chủ tại chính nước Mỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết cảm thấy "vô cùng lo lắng" khi hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Donald Trump gây bạo loạn Đồi Capitol, gọi đây là cuộc "tấn công vào nền dân chủ". Người đứng đầu Chính phủ Canada khẳng định bạo lực sẽ không bao giờ có thể cản trở được ý nguyện của người dân. Trước đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg mô tả các cuộc biểu tình bạo lực tại Washington là "cảnh tượng hãi hùng", đồng thời khẳng định kết quả cuộc bầu cử "dân chủ" tại Mỹ cần phải được tôn trọng. Cũng trên quan điểm này, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi lập tức chấm dứt tình hình bạo loạn tại Washington.
Tuyên bố lịch sử
Vài giờ sau sự cố người biểu tình tràn vào bên trong tòa nhà Quốc hội, trật tự tại đây đã được khôi phục và các nghị sỹ lưỡng viện tiếp tục sứ mệnh lịch sử là hoàn tất việc kiểm đếm 538 phiếu bầu đại cử tri để xác định người chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
4h sáng 7/1, tức 16h Hà Nội, Phó Tổng thống, đồng thời là Chủ tịch Thượng viện Mỹ Mike Pence tuyên bố ông Joe Biden đã giành chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri. Đương kim Tổng thống Donald Trump chỉ giành được 232 phiếu bầu. Tuyên bố này chính thức đặt dấu chấm hết cho mọi tranh cãi về cuộc bầu cử Tổng thống được coi là đặc biệt chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Ngay lập tức, Tổng thống Donald Trump ra thông báo sẽ thực hiện chuyển giao có trật tự cho chính quyền mới vào ngày 20/1 tới đây, dù vẫn tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử. Tiếp đến, sáng 7/1 (tức ngày 8/1 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ đăng một đoạn video trên Twitter, mạnh mẽ lên án hành động bạo loạn tại Quốc hội, đồng thời cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden một cách suôn sẻ.
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump phần nào khiến dư luận bớt lo ngại về tình trạng hỗn loạn có thể tái diễn tại thủ đô Washington cũng như trên toàn nước Mỹ. Với những gì đã diễn ra tại trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1, kỷ cương và sức mạnh nền dân chủ Mỹ sẽ là những việc cần làm ngay trước thời điểm chuyển giao chính thức Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1 tới đây.