(VOV5) - Quay trở lại Việt Nam, góp sức dù là nhỏ bé để xóa đi mặc cảm tội lỗi chiến tranh bằng những việc làm thiết thực, là cách mà ngày càng nhiều cựu chiến binh Mỹ lựa chọn. Mỗi ngày, họ đều tâm niệm rằng, mỗi việc làm của mình sẽ phần nào vơi bớt nỗi đau chiến tranh mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam.
25 năm qua, ông Roy Mike Boehm đều đặn trở lại Quảng Ngãi mỗi dịp tháng 3 về. Đứng dưới chân tượng đài chứng tích Sơn Mỹ, cựu binh Mỹ này say sưa kéo vĩ cầm cầu nguyện cho linh hồn 504 thường dân vô tội trong vụ thảm sát năm 1968 được siêu thoát. Chỉ bằng cách đó, Mike Boehm mới thấy lòng thanh thản, nỗi mặc cảm tội lỗi vơi đi phần nào. Nhiều năm qua, mang theo ước nguyện hàn gắn vết thương chiến tranh, Mike Boehm không chỉ tình nguyện làm cầu nối kêu gọi bạn bè quốc tế giúp đỡ xây dựng trường học, quyên góp thiết bị dạy học cho học sinh vùng quê Sơn Mỹ, mà còn hỗ trợ vốn xây nhà tình thương cho hàng nghìn phụ nữ, cựu binh, nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Ngãi.
|
Suel Johns với em nhỏ Làng Hữu nghị |
Cũng như ông Roy Mike Boehm, Chủ tịch tổ chức “Cựu chiến binh vì hòa bình” của Mỹ (VFP) Suel Jones, cũng chọn cách tự chữa trị “vết thương chiến tranh” trong tâm hồn mình bằng cách quay trở lại Việt Nam. Từng là lính bộ binh tại chiến trường Quảng Trị năm 1968-1969. Trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1998, những mối nghi ngại về Việt Nam trước chuyến đi nhanh chóng được xua tan và thay vào đó là sự ngạc nhiên về tính vị tha và thân thiện của người dân Việt Nam. Trở về Mỹ, Suel đi khắp các trường đại học, các thành phố của nước Mỹ để nói chuyện về chất độc da cam ở Việt Nam, về những ảnh hưởng còn lại của một cuộc chiến. Năm 2000, Suel quyết định trở lại Việt Nam với tư cách là đại diện của Ủy ban quốc tế làng Hữu Nghị và từ đó đến nay, ông vẫn miệt mài đi về giữa Việt Nam và Mỹ để theo đuổi ước nguyện của mình: “Mọi người nghĩ chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, thực sự nó đã kết thúc. Nhưng không phải như vậy. Chiến tranh đã để lại những dư âm tàn khốc. Các nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân bom mìn hiện nay vẫn phải sống với hậu quả chiến tranh. Vì thế, công việc của tôi là chỉ cho mọi người Mỹ biết những gì đã xảy ra ở Việt Nam, điều gì vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Và tôi sẽ làm tất cả vì mục tiêu này”.
30 năm sau ngày Việt Nam thống nhất, năm 2005, Suel Johns cùng nhiều cựu binh Mỹ khác đã viết một bức thư ngỏ, vận động xin chữ ký của nhân dân Mỹ, kêu gọi chia sẻ nỗi đau do chiến tranh và cam kết hành động vì hoà bình và hữu nghị giữa hai dân tộc. Không chỉ vậy, từ năm 2008 đến nay, những cựu binh Mỹ luôn sát cánh, ủng hộ vụ kiện đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ông Mike Marceau, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì Hoà Bình (Mỹ), người luôn đồng hành với các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi cố gắng thay đổi nhận thức từ phía chính quyền và nhân dân Mỹ. Công việc của tôi là thu thập nhiều bằng chứng hợp pháp về hậu quả chiến tranh, những điều mà các nạn nhân Việt Nam đang gánh chịu để đưa ra trước quốc hội Mỹ, kêu gọi hỗ trợ nạn nhận chiến tranh ở Việt Nam. Thực tế có rất nhiều người Mỹ yêu mến Việt Nam, bởi thế công việc của tôi cần phải làm nhiều hơn nữa, là cầu nối để góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh”.
|
Đoàn các cựu binh Mỹ trở lại thăm Việt Nam tháng 4/2013 |
Việt Nam, mảnh đất mà cách đây gần 40 năm trước, với những người cựu chiến binh Mỹ, trong ký ức là một nỗi kinh hoàng bởi sự khốc liệt của bom đạn. Nhưng giờ đây, 38 năm sau khi chiến tranh kết thúc và 18 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, có rất nhiều cựu binh Mỹ đã đến Việt Nam. Mỗi chặng dừng chân, mỗi nơi đến đều để lại những ấn tượng sâu sắc để rồi họ đều nhận ra rằng chiến tranh là một điều vô nghĩa, cần phải làm gì để xoa dịu nỗi đau chiến tranh trên dải đất nhỏ bé hình chữ S này. Điều họ cảm nhận được sâu sắc nhất chính là nhận những tình cảm nồng hậu, lòng vị tha cao cả của nhân dân Việt Nam. Nhiều người tâm sự, mỗi lần trở về, họ lại có cảm giác như tìm về được với mái ấm của tình yêu thương, như lời của cựu chiến binh Suel Johns chia sẻ: “Tôi vẫn thường nói với mọi người rằng tôi đã được sinh ra tại Việt Nam vào năm 1968. Bởi vì với cá nhân tôi, mỗi phút trong đời đều có dấu ấn của Việt Nam. Chính vì thế, tôi nói với mọi người rằng tôi đã sinh ra ở Việt Nam. Dù trông không giống người Việt Nam, nhưng trái tim tôi thật sự đã thuộc về Việt Nam”.
“Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng chúng ta có thể thay đổi tương lai”. Câu nói trong bức thư ngỏ mà Suel Johns cùng những người bạn Mỹ gửi đến Việt Nam đã nói lên tất cả. Quả thật, những cựu binh Mỹ hôm nay không thể thay đổi quá khứ và xóa đi thảm kịch của chiến tranh nhưng họ có thể hành động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thế hệ kế tiếp. Đây là những gì mà những người cựu binh Mỹ như Suel Johns, Mike Marceau, Roy Mike Boehm và rất nhiều cựu binh Mỹ khác đã, đang và sẽ làm, nhằm xóa đi mặc cảm chiến tranh và để hai dân tộc Việt Mỹ xích lại gần nhau hơn nữa./.