(VOV5) - Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ chủ tịch EU, Đức đã có một thời gian dài chuẩn bị với danh sách các ưu tiên được thảo luận kỹ lưỡng...
Ngày 1/7, nước Đức chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên EU trong nhiệm kỳ kéo dài 6 tháng. Vai trò dẫn dắt và tầm ảnh hưởng của Berlin là đặc biệt cần thiết, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với nhiều thách thức nội khối và ngoại khối. Tuy nhiên rất nhiều thách thức đặt ra khiến nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Đức không dễ dàng.
Ảnh minh họa
|
Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ chủ tịch của mình, Đức đã có một thời gian dài chuẩn bị với danh sách các ưu tiên được thảo luận kỹ lưỡng như kiểm soát khí nhà kính, quan hệ với Anh thời “hậu Brexit”, khung ngân sách của EU… Nhưng Covid-19 đã đẩy tất cả những ưu tiên đó sang một bên, thay vào bằng nhiệm vụ trọng tâm: vượt qua đại dịch, tái thiết kinh tế và củng cố một Liên minh châu Âu kiên cường trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai
Những khó khăn phải đối mặt
Thách thức lớn nhất là EU phải đối mặt hiện nay chính là đại dịch Covid-19. Trên khắp châu Âu chứng kiến sự “càn quét” chưa từng có của dịch COVID-19 làm hơn 140.000 người chết, hàng trăm triệu người phải sống trong tình trạng hạn chế đi lại khiến châu Âu phải đối mặt với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng, đẩy các nước trong khu vực Eurozone vào cuộc suy thoái sâu nhất trong gần 1 thế kỷ. Ủy ban châu Âu (EC) công bố báo cáo cho biết kinh tế châu Âu sẽ giảm 7,4% trong năm nay. Tất cả quốc gia thành viên EU đều được dự báo sẽ suy thoái nặng nề. Hoạt động kinh tế tại Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Croatia và tiếp theo là Pháp được cho là sẽ chịu tác động lớn nhất. Tại Pháp, suy thoái kinh tế được dự báo ở mức 8,2% trong năm nay. GDP của Đức, nền kinh tế hàng đầu trong khu vực đồng euro và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ giảm 6,5% năm 2020... Song song với GDP giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực châu Âu được dự báo sẽ tăng từ 7,5% vào năm 2019 lên 9% vào năm 2020.
Khó khăn thứ hai phải kể đến là sự chia rẽ giữa các thành viên EU đang ngày một lớn, đặc biệt trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu qủa dịch Covid-19. Ngày 27/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố đề xuất gói cứu trợ kỷ lục, trị giá 750 tỷ euro để đưa châu Âu ra khỏi cuộc khủng hoảng do Covid - 19. Tuy nhiên, vẫn có 4 quốc gia thành viên EU phản đối kế hoạch nói trên là Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Các nước này muốn EU cung cấp các khoản vay thay vì hình thức trợ cấp.
Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt mà lần lượt các nước đều phải áp dụng do dịch Covid - 19 đã làm đảo lộn thị trường nội khối, làm lung lay ý tưởng về một châu Âu không biên giới. Cuộc khủng hoảng hiện nay đã đẩy các nước thành viên châu Âu vào tình huống khó khăn chưa từng có cả về kinh tế và xã hội, đòi hỏi phải các biện pháp xử lý quyết đoán của Đức trên cương vị Chủ tịch luân phiên châu Âu.
Trên mặt trận đối ngoại, những khó khăn đã xuất hiện ngay trước thềm nước Đức tiếp nhận Chủ tịch luân phiên của EU. Ngày 3/6, Đức buộc phải tuyên bố hoãn Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, tại thành phố Leipzig của Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào Hội nghị này khi coi đây là cơ hội để thúc đẩy Trung Quốc thực hiện các cam kết về có đi-có lại trong quan hệ thương mại với EU.
Quan hệ với Nga cũng là một vấn đề đau đầu khác EU cần giải quyết, khi thách thức về mặt an ninh từ Nga là lớn, song lợi ích đến từ hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, là khó có thể làm ngơ.
Ưu tiên của nước Đức
Nước Đức hiểu rất rõ những khó khăn phải đối mặt khi đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên châu Âu. Trong bài phát biểu hồi cuối tháng 4/2020, Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu rõ rằng, thời gian Đức đảm nhận nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của EU "chắc chắn sẽ bị chi phối bởi vấn đề chống đại dịch COVID-19 và những hậu quả của dịch bệnh". Bà Merkel nhấn mạnh, chừng nào chưa có vaccine phòng bệnh COVID-19, virus gây bệnh sẽ vẫn chi phối cuộc sống ở châu Âu. Tuy nhiên, bà khẳng định các vấn đề khí hậu "sẽ được chú trọng như các vấn đề y tế trong chương trình nghị sự".
Theo đó, nước Đức sẽ thúc đẩy ý tưởng về một hệ thống chăm sóc y tế hiệu quả của châu Âu dành cho tất cả các quốc gia thành viên, cũng như các vấn đề thuế giao dịch tài chính, thuế suất tối thiểu và một hệ thống mua bán phát thải carbon dành cho tàu thủy và máy bay....
Đây không phải lần đầu, và cũng không phải là lần cuối Đức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU. Tuy nhiên, nó chắc chắn là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất trong lịch sử khối kể từ khi thành lập năm 1993, và nước Đức phải vượt qua rất nhiều thách thức để “Cùng đưa châu Âu mạnh mẽ trở lại”.