(VOV5)- Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/2 đề xuất kế hoạch ngân sách trị giá gần 4.000 tỷ USD bao gồm nhiều nội dung tăng chi tiêu và cải cách thuế đã châm ngòi cho cuộc tranh luận chưa rõ hồi kết giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Nội dung này gần như chắc chắn là chiến trường tranh luận chính giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và lưỡng viện Quốc hội do Đảng Cộng hòa (GOP) kiểm soát,trong năm 2015. Quan trọng hơn, kết quả tranh luận sẽ cho cử tri Mỹ thấy được sự công bằng và tinh thần trách nhiệm, hai vấn đề quan trọng mà các ứng viên hai Đảng sẽ phải hướng tới trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong thời gian tới.
|
Người giàu ở Mỹ có thể chịu ảnh hưởng từ việc tăng thuế nếu đề xuất ngân sách của ông Obama được thông qua - Ảnh: Reuters |
Dự trù kế hoạch ngân sách mà Tổng thống Barak Obama công bố bao gồm nhiều khoản chi tiêu lớn dành cho cơ sở hạ tầng, quân đội và hoạt động nghiên cứu. Kế hoạch trên đặt mục tiêu giữ thâm hụt dưới 3% tổng sản lượng nội địa (GDP), mức mà các chuyên gia kinh tế đánh giá là bền vững. Cụ thể, thâm hụt trong năm 2016 được ước tính vào khoảng 474 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP, trong khi nợ Chính phủ sẽ tương đương khoảng 75% GDP. Tổng thống Barak Obama cũng đề nghị nới lỏng các chương trình thắt chặt chi tiêu đối với ngân sách quốc phòng và các chương trình nội địa từ năm 2011 với mức tăng 7% mỗi năm. Theo đó, ông Obama đề nghị tăng ngân sách quốc phòng năm 2016 lên 534 tỷ USD, trong đó một phần ngân sách là dành cho kế hoạch tăng cường lực lượng đồn trú tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các hoạt động chống lại nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, việc củng cố an ninh mạng và các khoản chi tiêu để đối phó với các tình huống tại Đông Âu.
Ưu tiên tầng lớp trung lưu
Điều dễ nhận thấy trong bản đề xuất gói ngân sách của Tổng thống Barak Obama là tiếp tục ưu tiên cho tầng lớp trung lưu, tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp xã hội. Theo đó, trong dự trù ngân sách 2016 (được áp dụng kể từ tháng 10/2015), Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định nhiều ưu tiên, vốn là những sáng kiến ông đưa ra trong kỳ tranh cử Tổng thống, như đánh thuế cao hơn đối với các doanh nghiệp và những người Mỹ khá giả để giúp đỡ tầng lớp trung lưu. Cụ thể là mức thuế tối đa đối với lợi tức từ vốn và đầu tư sẽ tăng từ 23,8% lên 28%. Ngân sách năm tới dự kiến lập một ngân hàng với mục tiêu tài trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Người đứng đầu Nhà Trắng từng hy vọng các biện pháp mới sẽ cho phép kinh tế Mỹ tăng trưởng và tạo việc làm “với nhịp độ nhanh nhất kể từ thập niên 1990”, (năm 2015, chính phủ Mỹ đặt hy vọng giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 5,6% còn 5,4%).
Đối với các nghị sĩ đảng Dân chủ, kế hoạch ngân sách của ông Barak Obama được coi là một bản dự thảo Tuyên ngôn bầu cử của các ứng viên đảng này và là cơ hội để họ chứng minh rằng tôn chỉ của đảng Dân chủ là tập trung vào cải thiện tình hình kinh tế nói chung cũng như thúc đẩy các chính sách an sinh xã hội. Trước đó, trong Thông điệp Liên bang 2015, Tổng thống Obama cũng dành nhiều thời gian để đưa ra những con số chứng minh cho sự trỗi dậy của nền kinh tế Mỹ, trong đó không quên nhắc tới sự thành công này là nhờ vào tầng lớp trung lưu. Điều này đối lập hoàn toàn với phe Cộng hòa, những người vẫn có quan điểm truyền thống về vai trò động lực của giới thượng lưu.
Bấy đồng từ Đảng Cộng hòa
Dễ hiểu khi chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất gói ngân sách gần 4.000 tỷ USD, toàn bộ các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội phản đối kế hoạch trên. Nội dung gây bất đồng sâu sắc nhất là việc ông chủ Nhà Trắng đề xuất áp đặt quy định thuế mới đối với nguồn thu từ nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ. Theo đó sẽ đánh thuế một lần 14% mỗi năm đối với khoản lợi nhuận hơn 2.100 tỷ USD mà các doanh nghiệp Mỹ đang lưu giữ ở nước ngoài để tránh phải nộp thuế. Đây là một điểm mới. Với quy định này, Chính phủ sẽ thu được khoảng 238 tỷ USD để đầu tư vào chương trình xây dựng, sửa chữa và nâng cấp hệ thống đường cao tốc, cầu phà và các đầu mối giao thông quan trọng.
Tuy nhiên, với các nghị sỹ Cộng hòa, những người đang kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, điều này chỉ nhằm giúp "đánh bóng" uy tín của đảng Dân chủ trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016. Chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện Orrin Hatch cáo buộc kế hoạch của ông Obama vẫn chỉ tập trung đẩy mạnh chi tiêu Chính phủ nhờ vào các khoản thu được từ việc tăng thuế. Ông Hatch chỉ trích đề xuất này "chỉ làm thỏa mãn tôn chỉ của đảng Dân chủ" chứ không thể giúp nước Mỹ lấy lại được "nền tảng tài chính vững chắc".
Lường trước những phản ứng từ lưỡng viện Quốc hội nên trong bài phát biểu tại Bộ An ninh Nội địa ngày 2/2, Tổng thống Barak Obama nhấn mạnh tránh để sự bất đồng gây phương hại cho an ninh quốc gia đồng thời cảnh báo Đảng Cộng hòa không nên "chơi trò chính trị" với nền kinh tế và an ninh của đất nước. Trước đó, trong Thông điệp Liên bang 2015, Tổng thống Barak Obama cũng kêu gọi các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa hãy cùng Nhà Trắng tìm kiếm sự đồng thuận trong việc thay đổi bộ luật thuế, luật an ninh mạng, nỗ lực tinh giản Chính phủ, cắt giảm ngân sách và cải cách chế độ nhập cư cũng như trong các biện pháp thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn nữa. Ông Obama cũng không quên nhắc tới vũ khí của mình là quyền phủ quyết các đạo luật, một quyền mà ông không mấy khi dùng tới kể từ khi nhậm chức.
Những tranh luận giữa Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội về đề xuất ngân sách 2016 mới chỉ bắt đầu nhưng đã được dự báo sẽ khó có cơ hội được thông qua tại Quốc hội lưỡng viện hiện do phe Cộng hòa kiểm soát. Những bước đi tiếp theo chắc chắc sẽ được cả 2 bên cân nhắc kỹ lưỡng để vừa bảo vệ được quan điểm của mình đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của cử tri Mỹ khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang đến gần./.