(VOV5) - Với người Mỹ khi xướng tên người chiến thắng là Barack Obama hay Mitt Romney, thì niềm tin của họ cũng chỉ hướng về một tương lai nước Mỹ sẽ sáng sủa hơn. Người Mỹ hy vọng, trong bốn năm tới, nước Mỹ sẽ đi đến những vùng sáng của phát triển kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thu nhập người dân tăng cùng với những phúc lợi xã hội mang lại điều kiện sống tốt hơn cho họ. Và cái tên Barack Obama đã được lựa chọn khi cử tri Mỹ tín nhiệm, mong muốn trao gửi niềm tin của mình vì điều mà vị Tổng thống này đã cam kết: đó là sự đổi thay. Chiến thắng cách biệt với gần 100 phiếu đại cử tri của ông Barack Obama đã nói lên sự kỳ vọng đó của người dân Mỹ.
Nhìn lại năm qua, tuy chưa thực sự hài lòng với những gì nước Mỹ gặt hái được, nhưng người dân Mỹ đã nuôi một hy vọng. Lá phiếu gửi trọn niềm tin vào ông Barack Obama đã nói lên nhiều điều.
Người Mỹ vốn nổi tiếng là thực dụng. Vì thế, trong mỗi cuộc vận động tranh cử tổng thống, yếu tố kinh tế luôn đóng vai trò quyết định sự thắng - thua. Ở cuộc vận động trong năm qua, dù không chiếm ưu thế tuyệt đối ngay từ đầu, thậm chí tại nhiều thời điểm ứng cử viên Mitt Romney đã vượt lên dẫn trước, nhưng Tổng thống Barack Obama vẫn chiến thắng. Điều ấy hoàn toàn dễ hiểu, người dân nước này không thể đánh cược vận mệnh của mình bởi những lý do mơ hồ. Không ít lần nước Mỹ đã giật mình vì lời cảnh báo về thể trạng yếu kém của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Làn sóng biểu tình "Chiếm phố Wall" vẫn là bài học nhãn tiền cho mỗi quyết định của cử tri Mỹ trong năm qua. Bởi vậy, sự lựa chọn của họ cũng là chủ đích cho tương lai nước Mỹ.
Trước hết, cho dù chưa tạo được sự bứt phá mạnh, nhưng những biện pháp của ông Barack Obama trong năm 2012 được xem là cú huých chậm chạp đối với nền kinh tế ì ạch của Mỹ trên bước đường hồi phục. Vị tổng thống này đã đứng về tầng lớp lao động trong xã hội, quan tâm đến các chính sách y tế, các vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, dành những chính sách ưu đãi trong giáo dục… Trong năm qua, ông Barack Obama đã có những động thái lớn để thúc đẩy nền kinh tế. Thành công lớn nhất đó là việc giải cứu ngành chế tạo ô tô ở bang Ohio, nơi có 1/8 số việc làm liên quan đến ngành công nghiệp này. Cùng với đó là các biện pháp nhằm hối thúc Quốc hội Mỹ sớm thay đổi bộ luật thuế. Theo đó, các tập đoàn và thiểu số những người giàu có phải đóng thuế cao hơn để chính phủ có tiền tăng đầu tư và bảo đảm sự công bằng xã hội. Những ngày cuối năm 2012, thông tin từ Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống còn 7,7% trong tháng 11, mức thấp nhất trong gần 4 năm qua tại nước này và thấp hơn 0,2% so với tháng trước đó. Đó là một thành công không dễ dàng đạt được.
|
Ông Chuck Hagel (trái) vừa được Tổng thống Obama đề cử vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng ngày 7/1 (Ảnh: AP) |
Xa hơn, quay trở lại thời điểm 4 năm trước, khi ông Barack Obama bước chân vào Nhà Trắng, vị tổng thống này đã hứa sẽ đoàn kết và hàn gắn một đất nước đang đứng trước những chia rẽ và khác biệt bằng cụm từ: thay đổi. 4 năm đã trôi qua và thực tế sự thay đổi đã đến với nước Mỹ. Trong chính sách đối ngoại, ông Obama đã khá thành công khi ngăn chặn được đà gia tăng quân sự ở một số mặt trận không cần thiết. Bằng việc đưa ra quyết định rút quân khỏi chiến trường Afghanistan và Iraq, ông Obama đã ghi điểm trong mắt cử tri, đồng thời chấm dứt sự mệt mỏi của quân lính Mỹ trên các chiến trường này. Nước Mỹ cũng đã có một thái độ ôn hòa hơn với các nước đối trọng như Nga, Trung Quốc. Tuy thể hiện sự cứng rắn trên chính trường thế giới nhằm khẳng định vị thế đứng đầu của cường quốc số 1 nhưng ông Barack Obama vẫn đưa ra những quan điểm hợp tác có lợi với các bên. Quan hệ giữa Washington với thế giới Hồi giáo cũng có chuyển biến theo hướng tích cực. Một điểm lớn thay đổi nữa trong chính sách đối ngoại của Mỹ năm 2012 là chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ, thắt chặt mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, liên tục thực hiện các cuộc diễn tập quân sự với các quốc gia Đông Á. Việc ông Obama chọn Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du ngay sau khi tái đắc cử cũng là bằng chứng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Mỹ là tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này.
Rõ ràng, người Mỹ cần ông B. Obama tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Họ muốn người đứng đầu nước Mỹ sẽ cụ thể hóa những cam kết của mình đối với cử tri. Ngay từ khi tái cử, ông B. Obama đã xác định, kinh tế vẫn là trọng tâm, đồng thời hối thúc các nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện nhanh chóng thu hẹp bất đồng để giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với nước Mỹ. Ông cam kết tạo ra thêm hàng triệu việc làm mới, tăng gấp đôi hàng hóa xuất khẩu, phát triển năng lượng xanh nhằm giảm một nửa lượng nhập khẩu năng lượng vào năm 2020, giảm thâm hụt ngân sách, tăng thuế đối với giới thượng lưu, giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu và những gia đình có thu nhập thấp, cải cách bộ luật thuế doanh nghiệp để giảm thuế cho những công ty đưa việc làm từ nước ngoài về Mỹ.
Năm 2013, cử tri Mỹ một lần nữa tin tưởng, đặt kỳ vọng vào Tổng thống B. Obama sẽ chèo lái con thuyền nước Mỹ cập bến thành công, đưa Mỹ trở lại vị trí siêu cường số 1 thế giới./.