(VOV5) - Các cuộc biểu tình đã biến khu vực Khải hoàn môn ở thủ đô Paris thành một “bãi chiến trường” tan hoang.
Một cuộc đối thoại trên toàn nước Pháp bắt đầu diễn ra từ hôm nay (15/1). Sáng kiến này do Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra nhằm tham vấn ý kiến người dân sau nhiều ngày bất ổn bởi các cuộc biểu tình của “phe áo vàng”. Nhà lãnh đạo Pháp tin tưởng các đề xuất của người dân sẽ giúp xây dựng một giao ước mới cho đất nước, cấu trúc lại hoạt động của chính phủ và quốc hội, cũng như định hình lại vai trò của nước Pháp tại châu Âu và trên trường quốc tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. - Ảnh: AFP/TTXVN
|
Trong thư gửi toàn thể nhân dân Pháp, ông E. Macron khẳng định cuộc đối thoại toàn quốc sẽ kéo dài đến ngày 15/3 và sẽ không phải là một cuộc bầu cử hay một cuộc trưng cầu ý dân. Và các cuộc đối thoại này sẽ giúp hóa giải những cơn giận dữ thành các giải pháp thiết thực cho đất nước.
Hình ảnh nước Pháp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bạo loạn
Kể từ khi bùng phát hồi trung tuần tháng 11, đến nay các cuộc biểu tình phản đối của những người mặc áo giáp bảo hộ màu vàng chanh, tự xưng là phong trào “Áo giáp vàng” (gilets jaunes), đã bướcc sang tuần thứ 9. Các cuộc biểu tình đã biến khu vực Khải hoàn môn ở thủ đô Paris thành một “bãi chiến trường” tan hoang. Mặc dù đến nay, chính phủ Pháp đã có một số nhượng bộ như tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong năm 2019, đóng băng thuế sinh thái nhưng dường như những người biểu tình chưa hài lòng. Từ việc phản đối mức thuế nhiên liệu cao ban đầu, những người biểu tình “Áo giáp vàng” đã mở rộng ra nhiều vấn đề khác, không chỉ phát sinh trong nhiệm kỳ của Tổng thống Macron mà đã tích tụ từ nhiều năm trước. Biểu tình lan rộng ra nhiều thành phố khác, không chỉ ở thủ đô Paris. Người biểu tình cho rằng các loại thuế quá cao của Chính phủ Pháp qua nhiều năm đã làm thu hẹp các khoản thu nhập và chi tiêu hằng ngày của họ. Nhiều người ca thán rằng từ chỗ có thể tham gia các hoạt động vui chơi giải trí vào những dịp cuối tuần, kỳ nghỉ lễ, họ đã phải cắt bỏ hết, thậm chí còn xoay xở khó khăn trong việc chi tiêu sinh hoạt hằng ngày.
Làn sóng biểu tình của phong trào “Áo vàng” tại thủ đô Paris ngày 12-1 vừa qua.- Ảnh: AP. |
Điều đáng nói, các hành động nhượng bộ của chính phủ Pháp bị người biểu tình xem là kế hoãn binh nhằm xoa dịu tình hình chứ không phải là một cam kết nghiêm túc. Các cuộc biểu tình gần đây tuy ít bạo lực hơn nhưng đáng lo ngại hơn do ngày càng có nhiều người tham gia. Trong bối cảnh đó, một cuộc đối thoại toàn quốc giữa Chính phủ và người dân là cần thiết, nhằm tìm tiếng nói chung, đưa ra giải pháp cho các vấn đề cải cách đất nước.
Giao ước mới chưa từng có
Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống E.Macron đưa ra sáng kiến đối thoại trên toàn quốc và không có vùng cấm cho các câu hỏi, được xem là động thái tích cực, giải quyết vấn đề. Dự kiến, đối thoại kéo dài đến ngày 15/3, tập trung vào 4 chủ đề chính: thuế và chi tiêu công, tổ chức Nhà nước và cơ quan công quyền, chuyển đổi sinh thái, nền dân chủ và quyền công dân. 33 câu hỏi được đặt ra cho người dân Pháp. Ông E.Macron cũng cam kết thông báo kết quả trực tiếp tới người dân ngay trong tháng sau khi kết thúc cuộc thảo luận dự kiến kéo dài đến 15/3.
Theo các nhà quan sát, dù khó có thể đạt được đồng thuận về mọi vấn đề giữa chính quyền và người dân, nhưng việc Tổng thống Pháp khởi động cuộc đối thoại toàn quốc là bước đi quan trọng, giúp phần nào tháo gỡ những khúc mắc liên quan các vấn đề thuế, nền dân chủ, bảo vệ môi trường, di cư. Điều quan trọng là ông E.Macron sẽ phải ứng xử ra sao để cân bằng giữa những chính sách cải cách mà nhờ đó ông đã được bầu làm Tổng thống và thuyết phục người dân chấm dứt bạo lực trong các cuộc biểu tình.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông E.Macron khẳng định ông chấp nhận thực tế rằng những biện pháp kinh tế mà ông đang thực thi khiến uy tín của ông sụt giảm, nhưng chắc chắn nước Pháp sẽ cảm nhận những tác động tích cực trong ít nhất 18-24 tháng tới. Nếu nước Pháp vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay, cử tri sẽ có đến 3 năm rưỡi để kiểm chứng hiệu quả chiến lược của ông. Bằng việc “chìa bàn tay hòa giải” với người dân Pháp, Tổng thống E.Macron đang sẵn sàng chuyển tải thông điệp: Chính phủ đồng hành tìm giải đáp cho nguyện vọng của dân chúng để ổn định lại tình hình đất nước, định hình lại vai trò của nước Pháp tại châu Âu và trên trường quốc tế.