(VOV5) Ngày 31/1, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã kết thúc ba ngày thăm Iran với nhiệm vụ làm sáng tỏ những mối nghi ngờ về chương trình hạt nhân của nước này. Sự kiện này cùng nhiều tình tiết mới đưa đến cho dư luận nhiều cung bậc, trạng thái khác nhau: Vừa lo âu nhưng vẫn hy vọng.
Trong khi căng thẳng giữa chính quyền Tehran và phương Tây, sau lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) áp dụng lên quốc gia Hồi giáo này ngày 23/1, chưa hạ nhiệt thì một loạt các sự kiện diễn ra sau đó đã khiến dư luận không khỏi lo ngại về một nguy cơ chiến tranh cận kề khu vực Trung Đông này. Ngày 31/1, Giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel, ông Tamir Pardo, đã có mặt ở Washington để thảo luận về khả năng tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Busher của Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trước đó, ngày 30/1, trong chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Gruzia Mikhael Saakashvili đã hội đàm với người đồng cấp Barack Obama, tại Nhà Trắng, mà một trong những nội dung quan trọng là khả năng Gruzia tham chiến chống Iran và việc Lầu Năm Góc sử dụng lãnh thổ nước này để tấn công Tehran. Giới phân tích cho rằng các sân bay Vaziani, Marneuli và Batumi của Gruzia, trong thời gian qua đã được Mỹ cung cấp kinh phí lớn để nâng cấp, có thể sẽ được Lầu Năm Góc sử dụng trong mục đích sau này của mình.
Trong chương trình trả lời phỏng vấn chương trình "60 phút" của đài CBS cách đây hai ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta một lần nữa khẳng định quyết tâm của Tổng thống Barack Obama nhằm chấm dứt nỗ lực hạt nhân của Tehran. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh các quan chức Mỹ "sẽ thực thi mọi bước đi cần thiết để chấm dứt điều này" nếu Washington nhận được tin tình báo nói rằng Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân. Còn trong nội bộ giới chức Washington, chủ đề gia tăng sức ép buộc nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ngừng chương trình hạt nhân cũng được thảo luận sôi nổi. Ngày 31/1, ngày thứ hai liên tiếp, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, ông Howard Berman và thành viên Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Robert Menendez, đều là người của đảng Dân chủ, đã đề xuất siết chặt trừng phạt Iran, cụ thể là nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Tehran cũng như lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và đánh vào các tổ chức tài chính không phải của Mỹ tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính của Tập đoàn Dầu lửa quốc gia Iran (NIOC) hoặc Công ty Vận tải dầu quốc gia Iran (NITC) nếu Chính phủ Mỹ phát hiện hai công ty này liên quan đến IRGC.
Rõ ràng, trên nhiều phương diện, từ kinh tế, ngoại giao đến cả các biện pháp quân sự đã và đang được Mỹ cùng các nước phương Tây sử dụng có lộ trình nhằm siết chặt, từng bước cô lập nước Hồi giáo này. Sự phản kháng của chính quyền Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad sau đó đã khiến dư luận lo ngại. Với cuộc tập trận ở eo biển Hormuz, hồi trung tuần tháng 1-2012, Tehran đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về tiềm lực quân sự của mình. Thậm chí, Iran có thể đóng cửa Eo biển Hormuz để trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU, hành động mà Mỹ tuyên bố sẽ không tha thứ. Mới đây, ngày 30/1, chính quyền Tehran còn công bố những tiến bộ quân sự của mình. Đó là ra mắt máy bay không người lái tự chế mới, mang tên A1, đạt tầm cao tối đa hơn 3.000m và có khả năng bay ít nhất là 2 tiếng cũng như có thể mang theo tải trọng 5kg...
Iran kết thúc cuộc tập trận 10 ngày trên eo biển Hormuz (ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, hy vọng cho cuộc khủng hoảng hạt nhân này chưa phải là đã hết. ngày 31/1, chuyến thanh sát Iran ba ngày của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), do trưởng thanh sát viên Herman Nackaerts dẫn đầu, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề gây tranh cãi trong chương trình hạt nhân của Tehran đã nuôi một hy vọng. Mặc dù, trong chuyến thăm vừa qua, đoàn thanh sát viên của IAEA không tới thị sát cơ sở hạt nhân nào của Iran, mà chỉ đến để đàm phán với các quan chức Tehran, thêm vào đó, nội dung của các cuộc thảo luận và những người tham gia không được tiết lộ, nhưng việc hai bên đã lên kế hoạch cho các cuộc gặp tiếp theo về chương trình hạt nhân của Iran đã cho dư luận thấy, lòng tin đang dần được tạo dựng. Ngày 1/2, trong một tuyên bố, IAEA cho biết sẽ tổ chức một hội nghị tại Tehran trong 2 ngày 21 và 22/2 tới.
Dư luận cho rằng, chuyến thăm của IAEA tới quốc gia Hồi giáo này là đúng thời điểm, giúp hạ nhiệt những căng thẳng đang gia tăng giữa Iran và phương Tây. Còn nhớ, hồi tháng 11/2011, IAEA đã công bố báo cáo nghi ngờ rằng hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân tại Iran có liên quan đến sản xuất vũ khí hạt nhân. Chính điều đó đã là cái cớ để phương Tây gây sức ép cũng như gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran. Bởi vậy, chuyến thanh sát mới nhất này được dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã bày tỏ Tehran sẵn sàng đàm phán về vấn đề hạt nhân với nhóm các cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) bất chấp những gì phương Tây khẳng định. Rõ ràng, đó là một tín hiệu tích cực nuôi hy vọng đối với cộng đồng quốc tế, dẫu đó chỉ là một hy vọng mong manh./.
Ánh Huyền