Tính đến cuối năm 2012, hơn 90% số người nghèo nhất ở VN được sử dụng điện lưới; hơn 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có trạm y tế và đường giao thông đến trung tâm.
(VOV5) - Đó là tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York ngày 27/9 mới đây, khi Thủ tướng minh chứng cho việc Việt Nam luôn đưa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào chiến lược phát triển của mình.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: dantri) |
Với phương châm này, Việt Nam đặc biệt quan tâm đầu tư cho y tế, giáo dục, thông tin... cho mọi người dân, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... như là cách thiết thực nhất để bảo đảm nhân quyền.
Những chính sách đúng đắn
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước, Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm các quyền cơ bản nhất của mọi công dân. Chính sách phát triển của Việt Nam luôn có các cụm từ “ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và xoá đói giảm nghèo”, “kết hợp chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội“.
Kể từ năm 2005, Việt Nam đã triển khai "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo" phù hợp với mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hiệp quốc.
Từ năm 2003 tới năm 2012, Việt Nam luôn chi 51% tổng ngân sách Nhà nước cho mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
Riêng giai đoạn 2006 - 2012, Chính phủ đã đầu tư hơn 700 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho gần 3.000 dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục nhằm tăng cường hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; trong đó, riêng các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được ngân sách Nhà nước đầu tư hơn 54.770 tỷ đồng.
Hằng năm, Nhà nước chi trợ cấp xã hội thường xuyên tới khoảng 2% dân số, trợ cấp đột xuất khoảng 0,5% - 0,6% GDP cho khắc phục hậu quả các vùng bị thiên tai.Việt Nam còn huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo khi lấy ngày 17-10 hằng năm là "Ngày vì người nghèo" và xã hội hoá các phong trào vì người nghèo trong cả nước.
Những con số biết nói
Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai hàng chục chương trình và chính sách đầu tư, cho vay phát triển hạ tầng, việc làm, hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động cộng đồng, tương thân, tương ái, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa.
Điều này giúp khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, một trong những chỉ số cơ bản về quyền con người ở Việt Nam, ngày càng cải thiện.
Tính đến cuối năm 2012, hơn 90% số người nghèo nhất ở VN được sử dụng điện lưới; hơn 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có trạm y tế và đường giao thông đến trung tâm.
Hàng nghìn nhà tình nghĩa và hàng trăm dự án nhà ở xã hội được triển khai trên toàn quốc, góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho hàng triệu người dân thuộc đối tượng chính sách. Cho đến năm 2010, Việt Nam cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học với 100% số xã có đủ trường học.
Về giáo dục, mỗi năm Việt Nam có 1,8 triệu lao động được dạy nghề qua hệ thống 10 nghìn trường, trung tâm học tập cộng đồng và gần 700 trung tâm giáo dục thường xuyên. Học sinh nghèo được miễn, giảm học phí, được hỗ trợ tiền ăn trưa...
Về y tế, người nghèo, người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam/điôxin được hưởng các chế độ và quyền lợi kịp thời, đầy đủ, an toàn, đúng quy định. Chỉ riêng hai năm 2011 - 2012, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ hơn 22 nghìn tỷ đồng cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 29 triệu lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và người dân thuộc diện cận nghèo.
Nhờ những chính sách an sinh xã hội tích cực này mà tuổi thọ bình quân của Việt Nam hiện đạt 73-74 tuổi. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước liên tục giảm, chỉ còn gần 9,64% vào cuối năm 2012, so với 22% năm 2006. Thu nhập bình quân của hộ nghèo năm 2010 tăng 2,3 lần so với năm 2005; bình quân GDP tăng từ 1.024 USD/người năm 2008 lên 1.540 USD/người năm 2012.
Thành quả này giúp Việt Nam hoàn thành trước thời hạn tất cả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015 nên Việt Nam đã được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo.
Năm 2012, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam thuộc 8 quốc gia đạt tiến độ thực hiện Mục tiêu MDG 4 về giảm tử vong trẻ em; thuộc 9 quốc gia đạt tiến độ thực hiện về Mục tiêu MDG 5 về giảm tử vong mẹ; xếp thứ 27 trong số 101 nước đang phát triển về năng lực giảm nghèo của các quốc gia....
Hướng tới mục tiêu an sinh xã hội toàn dân
Không dừng lại ở những thành tựu đã được quốc tế công nhận, Việt Nam đang triển khai Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020, trong đó đặt mục tiêu trọng tâm là giảm nghèo đa chiều bền vững; tiếp cận và thụ hưởng công bằng các dịch vụ và các phúc lợi xã hội, ưu tiên người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường nhận thức của cộng đồng, trợ giúp pháp lý, năng lực của cơ quan thực thi pháp luật về quyền con người.
Từ những chính sách đưa ra, đến những chương trình hành động thực tiễn đều cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt con người là mục tiêu, là trung tâm của sự phát triển./.