Phấn đấu để kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định

(VOV5)- Sau 8 tháng Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, trong 14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2014, dự kiến sẽ có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Kết quả này là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra cho cả năm, là tiền đề thuận lợi để Việt Nam phấn đấu đạt các mục tiêu cao hơn trong năm 2015.

Phấn đấu để kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định - ảnh 1

Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp của nhân dân cả nước.

Nhiều chỉ tiêu quan trọng dự kiến đều đạt và vượt kế hoạch
Trong số các chỉ tiêu dự kiến sẽ đạt và vượt kế hoạch có tăng trưởng GDP (đạt 5,8%), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt khoảng 5%. Dự báo này dựa trên nhận định chung là kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi đồng đều, có mặt tăng trưởng cao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp từ đầu năm đến nay. Giá các mặt hàng trên thị trường khá ổn định.Đến hết tháng 8, GDP đã tăng 5,54%. Với các chỉ số này thì kế hoạch cả năm hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra là 5,8%.


Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ (tăng 6,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%).  Lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy, nhất là thủy sản đạt con số ấn tượng khi giá trị xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt gần 5 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2013. Dịch vụ phục hồi khá nhanh.

Việc kiểm soát các mặt kinh tế vĩ mô cho thấy đồng tiền ổn định, dự trữ ngoại tệ cao. Xuất khẩu đến giờ này duy trì tốc độ tăng trưởng tuy không cao nhưng vẫn xuất siêu 1,7 tỷ USD. Đáng chú ý, từ trước đến giờ, xuất khẩu ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) góp phần lớn, nhưng từ cuối năm 2013, khu vực trong nước đã có đóng góp cho xuất khẩu với mức tăng trưởng 11%. Nhập khẩu có tăng nhưng chủ yếu là máy móc và nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, hạn chế nhập khẩu cho tiêu dùng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy có sự quản lý chặt chẽ về nhập khẩu.

Giải ngân vốn FDI, vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt mức khá. Đáng chú ý giải ngân ODA so với cùng kỳ năm 2013 tăng 41%, tức trên 3 tỷ USD. Đây có lẽ là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Thống kê đến tháng 8, một tín hiệu mừng nữa là lòng tin của nhà đầu tư vào sự phát triển của nền kinh tế đã tăng lên nên họ mạnh dạn bỏ vốn đầu tư lớn, mở rộng sản xuất. Ngoài ra, đến thời điểm này, cũng có khoảng 10.000 doanh nghiệp trước đây tuyên bố đóng cửa nay hoạt động trở lại.

Phối hợp chặt chẽ, linh hoạt chính sách điều hành kinh tế vĩ mô
Tuy kinh tế vĩ mô của Việt Nam được kiểm soát nhưng tính bền vững chưa thật cao, tăng trưởng tín dụng còn thấp, tổng cầu chưa có chuyển biến khả quan. Trên cơ sở đó, 4 tháng còn lại của năm 2014, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu, tăng trưởng tín dụng bằng nhiều biện pháp. Về việc xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết để hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam tích cực mua nợ xấu, để cuối năm nay mua được khoảng 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. "Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các Tổ chức tín dụng tăng cường và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu và phối hợp với các Bộ, ngành chức năng để rà soát những vướng mắc trong Nghị định 53 về xử lý nợ xấu của Chính phủ để sửa đổi tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu. Ngoài ra cũng cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành chức năng theo tinh thần Nghị định 53 để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.”.

Vấn đề cần tập trung thứ hai cũng đang được Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện là tái cơ cấu nền kinh tế. Lĩnh vực này Việt Nam có nỗ lực rất lớn nhưng trong giai đoạn này cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng bằng các giải pháp đồng bộ để góp phần đạt tăng trưởng.

Ngoài ra, việc kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo ra động lực để thúc đẩy sản xuất, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng là yêu cầu bức thiết. Song song với đó là rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp, gây tốn kém, phát sinh tiêu cực, cản trở thị trường, cản trở phát triển.  Đề cập nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Xã hội nào cũng phải quản lý bằng pháp luật, bằng chiến lược, bằng quy hoạch. Bây giờ quy hoạch của mình chất lượng chưa cao, tốn nhiều tiền, gây phiền phức, tốn kém nhiều chi phí… Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tham mưu tổng hợp cho Chính phủ tập trung làm quy hoạch cho khả thi. Bây giờ cả nghìn loại quy hoạch thì cần loại bớt, giữ ở mức hợp lý.”

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Việt Nam đang từng bước hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2014. Đây là tín hiệu đáng khích lệ cho thấy kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi đồng đều, tạo đà phát triển ở mức cao hơn, bền vững hơn trong năm 2015./.

Phản hồi

Các tin/bài khác