Phát huy những hiệu quả tích cực từ việc lấy phiếu tín nhiệm

(VOV5) - Việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn mới đây được đông đảo cử tri hoan nghênh.


Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 20/11, công tác này một lần nữa được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao khi thảo luận Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Các đại biểu nhất trí cần duy trì hình thức giám sát này đồng thời kiến nghị một số giải pháp để việc lấy phiếu tín nhiệm phát huy hết hiệu quả trong thời gian tới.

Các đại biểu nhất trí với chủ trương tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vì đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Để nâng cao hiệu quả của lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu cũng cho rằng cần sửa đổi một số nội dung như thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Hiệu quả tích cực sau 2 lần lấy phiếu tín nhiệm

Là hình thức mới, thể hiện chức năng giám sát của Quốc hội, 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đã cho thấy tính hợp lý và sự cần thiết của nó. Mặt nổi trội, tính tích cực của lấy phiếu tín nhiệm là việc đã có thêm một kênh trong đánh giá cán bộ, thể hiện tính dân chủ rõ nét trong hệ thống chính trị Việt Nam. Sâu xa hơn, việc các đại biểu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là biểu hiện cụ thể của việc kiểm soát lẫn nhau trong thực thi 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Phát huy những hiệu quả tích cực từ việc lấy phiếu tín nhiệm	 - ảnh 1


Ngoài ra, qua  2 lần lấy phiếu tín nhiệm, dư luận cũng nhận thấy sự cố gắng rõ nét của một số Bộ trưởng, trưởng ngành có số phiếu không như mong muốn tại lần lấy phiếu đầu tiên nay đã có chuyển biến tích cực và nhiều vị có số phiếu cao vẫn phát huy được tinh thần làm việc rất tốt, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ… Đồng tình với quan điểm này, Bà Lê Thị Nga , đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đánh giá: Trong điều kiện tổ chức bộ máy Nhà nước hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm và công bố công khai trước toàn dân là hình thức giám sát có hiệu quả nhất,có tác động tích cực tới công tác điều hành và là bước tiến dân chủ theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Kết quả đánh giá khá khách quan, sát với kết quả điều hành trên các lĩnh vực. Kết quả lấy phiếu vừa xong còn phản ánh Quốc hội khá công tâm trong  đánh giá việc chỉ đạo, điều hành của một số chức danh.

Nâng cao hiệu quả của lấy phiếu tín nhiệm

 Những kết quả tích cực từ việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong thời gian tới. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ, cụ thể là cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4. Lý do là vì 2 năm là đủ thời gian để người trong diện lấy phiếu tín nhiệm nắm bắt tình hình và thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội giao. Trong 2 năm tiếp theo, căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội thì các vị trí lấy phiếu tín nhiệm sẽ có hướng khắc phục đồng thời cố gắng phấn đấu đạt kết quả tốt hơn. Ngoài ra, lấy phiếu lần 2 vào năm thứ 4 của nhiệm kỳ cũng là phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp vì lấy phiếu tín nhiệm là 1 kênh quan trọng để cấp ủy căn cứ đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ để kiện toàn cấp ủy và hệ thống chính trị trong thời gian tới. Ông Chu Sơn Hà, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: Trong mỗi nhiệm kỳ nên 2 lần lấy phiếu tín nhiệm, lần thứ nhất vào cuối năm thứ 2 và lần thứ 2 vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Quá trình giãn về thời gian đã đủ cho các vị là đối tượng lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn và rèn luyện nâng cao hiệu quả công tác của mình. Lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 tương tự như việc tái giám sát. Lần thứ nhất lấy phiếu tín nhiệm là lần giám sát, lần thứ 2 là lần tái giám sát để xem các vị nằm trong đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đã chuyển biến và đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đến đâu.

Phát huy những hiệu quả tích cực từ việc lấy phiếu tín nhiệm	 - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Ngọc Vinh, đoàn TP Hải Phòng.


Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi lần này thể hiện theo hướng để người có tín nhiệm thấp có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không còn được tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó mà không phải qua bước bỏ phiếu tín nhiệm. Điều này sẽ góp phần xây dựng “văn hóa từ chức” trong cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cũng có thể chủ động trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người có tín nhiệm thấp để chuyển sang công việc khác phù hợp hơn. Đề cập nội dung này, ông Phạm Trường Dân, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam,đề nghị: 
Nghị quyết cần quy định theo hướng người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trong dự thảo Nghị quyết không nêu vấn đề từ chức, tôi đề nghị bổ sung. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm cách chức đối với người đó.

Lấy phiếu tín nhiệm là chế định quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội và thực tế qua 2 lần lấy phiếu cho thấy đây là một trong những hình thức giám sát hiệu quả, được dư luận đánh giá cao. Do đó, việc sửa đổi Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá cán bộ khách quan, chính xác, thể hiện rõ nét tính dân chủ trong hệ thống chính trị Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác