Phát huy tính dân chủ trong lập Hiến
Hồng Vân -  
(VOV5) - Ngày 31/3 vừa qua, đợt lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo Nghị quyết số 38 của Quốc hội đã kết thúc và thu được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật nhất trong quá trình này là tính công khai, dân chủ được phát huy cao độ với nhiều cách làm sáng tạo nhằm xây dựng một bản Hiến pháp chất lượng.
Trước hết tính công khai, dân chủ được thể hiện ở mức độ phủ sóng Dự thảo Hiến pháp tới toàn dân. Có thể nói chưa bao giờ Hiến pháp được tuyên truyền rộng rãi, dày đặc trên các phương tiện truyền thông và các diễn đàn xã hội như trong thời gian qua. Từ thành thị, đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, người dân đều biết về đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này ở những mức độ khác nhau. Bên cạnh đó là hàng loạt hội nghị, hội thảo thu thập ý kiến dư luận được tổ chức từ Trung ương đến địa phương và ở nhiều bộ, ngành. Thậm chí để phổ cập Hiến pháp tới toàn dân, nhiều tài liệu dễ hiểu về Hiến pháp cũng đã được biên soạn và phát tận tay các hộ gia đình. Ông Phan Khắc Đức, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Các hộ dân của chúng tôi được tuyên truyền rất đầy đủ, nhận thông tin qua báo, đài về sửa đổi Hiến pháp. UBND phường tập hợp các hộ dân lại triển khai, tổ dân phố cấp phát tài liệu đến tận hộ. Nói chung có tài liệu trong tay, chúng tôi nghiên cứu, góp ý. Tôi thấy đây là vấn đề dân chủ, công khai, đến tận người dân”.
|
Xin ý kiến từng gia đình về Hiến pháp tại Đà Nẵng (Ảnh: vneconomy.vn/) |
Tính dân chủ còn được thể hiện ở phạm vi góp ý. Mọi người dân có quyền bày tỏ chính kiến về những vấn đề lớn của đất nước cho đến quyền lợi thiết thực nhất của chính mình. Chưa bao giờ người dân có thể bày tỏ công khai trên các diễn đàn về thể chế chính trị, về việc kiểm soát hệ thống quyền lực, cơ chế bảo hiến, về tăng, giảm quyền cho những người đứng đầu các cơ quan hành pháp, lập pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, đại diện cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, nhận xét: “Chúng tôi nhận được ý kiến góp ý cho Lời nói đầu và 11 chương của Hiến pháp. Chương nhiều nhất là chương về quyền con người nhận hơn 5 triệu lượt phát biểu ý kiến, tiếp đó là chương về chế độ kinh tế, Quốc hội và chế độ chính trị”.
Hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong 3 tháng qua là con số không nhỏ. Nó cho thấy sự quan tâm cũng như kỳ vọng của người dân vào quá trình sửa đổi đạo luật gốc của đất nước. Đánh giá về kết quả này, ông Phongsak Thiabkaew, Giám đốc văn phòng luật Viện Phupan (Thái Lan), cho biết: “Chúng tôi thấy rõ được sự quyết tâm rất lớn của Việt Nam trong sửa đổi Hiến pháp và cũng rất mừng khi thấy Việt Nam tiến hành một cách trình tự, khoa học, công khai thông tin về nội dung sửa đổi để người dân tìm hiểu. Việt Nam đã thể hiện sự coi trọng đối với quyền con người. Đây là điều có lợi cho nhân dân Việt Nam”.
|
Quảng Bình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp 1992 (Ảnh: radiovietnam.vn)
|
Ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được coi là tài sản quý. Người dân sẽ đợi để xem việc tiếp nhận và giải trình ra sao với các luồng ý kiến góp cho bản dự thảo Hiến pháp. Vì vậy, việc tập hợp chính xác, trung thực các ý kiến của nhân dân là hết sức quan trọng. Đây cũng là biểu hiện của tính dân chủ trong lập Hiến. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp thu, đưa ra thảo luận ở Quốc hội, Trung ương, Bộ Chính trị mà trước hết là thảo luận trong Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong Thường vụ Quốc hội, sau đó thảo luận ở Quốc hội và công khai trong toàn dân. Không loại trừ 1 ý kiến nào. Điều quan trọng là chúng ta tập hợp được ý chí của đại đa số nhân dân”.
3 tháng cao điểm góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã cho thấy việc thảo luận và góp ý cho Dự thảo giúp đưa ra cách nhìn nhiều chiều về những vấn đề hệ trọng của đất nước, đề cao tính dân chủ trong sinh hoạt chính trị của Việt Nam, đồng thời cũng giúp hoạt động lập hiến phản ánh được ý nguyện của đông đảo các tầng lớp nhân dân./.
Hồng Vân