(VOV5) - Biến đổi khí hậu đang tác động xấu đến Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đóng góp đến 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước. Diễn đàn “Vì đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng và thích ứng với khí hậu”, mới đây kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp đỡ Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua thách thức của nước biển dâng và biến đổi khí hậu, và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần tổ chức liên kết vùng để phát triển bền vững.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu tại Diễn đàn “Vì đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng và thích ứng với khí hậu”
|
Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2016 do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 27/6 tại thành phố Hồ Chí Minh. Các báo cáo, nghiên cứu được đưa ra tại Diễn đàn đều cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển của Việt Nam nói chung và an ninh lương thực của khu vực nói riêng. Nơi này là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt Nam, đóng góp 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% lượng gạp xuất khẩu, cung cấp 1/5 sản lượng gạo thương mại toàn cầu.
Tác động của biến đổi khí hậu khiến tỷ lệ đóng góp GDP có nguy cơ suy giảm
Đến thời điểm hiện tại, phạm vi nước mặn xâm nhập đã vào sâu trong đất liền từ 100 đến 120 km ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trên 230.000 ha lúa, 9.400 ha cây ăn quả, trên 5.000 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. 250.00 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tổng sản lượng lúa đông xuân vừa qua giảm trên 400.000 tấn. Trong dài hạn, các cộng đồng dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ là đối tượng hứng chịu những tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng nước biển dâng và những cơn bão nhiệt đới có xu hướng ngày càng mạnh. Sản lượng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ giảm từ 6-12%. Sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp ở vùng này sẽ không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà sẽ tác động đến giá lương thực, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của toàn cầu.
Thực hiện mô hình liên kết để phát triển
Cũng tại Diễn đàn này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải là nơi có nền nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao của Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á trong tương lai. Thực hiện được mục tiêu này là hoàn thành được một trong những sứ mệnh khó khăn nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn |
Để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển hơn nữa thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp cùng Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng liên kết vùng, xây dựng chiến lược phát triển Đồng bằng sông Cửu Long để phát huy thế mạnh từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ, phân công vùng nào, tỉnh nào, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm hoặc trái cây gì cho phù hợp. Xác định rõ vai trò trách nhiệm của các địa phương để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo nên chuỗi liên kết về sản xuất và định vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn".
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng, các rủi ro đi cùng biến đổi khí hậu, các chiến lược thích ứng trong đó bao gồm kế hoạch hóa đồng bộ, công tác phối hợp giữa các địa phương, các ngành.
Tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển
Tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc hợp tác với các đối tác để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó sự hợp tác quan trọng nhất là với Ngân hàng Thế giới. Theo đó, Ngân hàng Thế giới đã mở rộng cấp tín dụng ưu đãi theo tiêu chuẩn cao nhất, trợ giúp kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xác định kịch bản phát triển hoàn chỉnh toàn vùng thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về phần mình, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Vùng Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, cho biết: "Diễn đàn này là dịp để các bên liên quan bàn bạc đưa ra các biện pháp hỗ trợ, trong đó có các đối tác quốc tế. Chúng tôi đều có mục đích chung là giúp người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng đối phó với thách thức, mang lại thịnh vượng trong tương lai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên một số giải pháp. Bên cạnh việc đưa ra giải pháp thì các cơ quan trung ương và địa phương đã có tầm nhìn chung với nhau. Chúng ta phải điều chỉnh khả năng chống chịu như đắp hệ thống đê điều, trồng rừng phòng hộ; sử dụng nước tiết kiệm, thí điểm cơ chế sử dụng chung nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; áp dụng các kinh nghiệm và công nghệ mới để đối với sự biến đổi khó lường của biến đổi khí hậu trong tương lai".
Cùng với việc tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên và tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều khu công nghiệp, nâng cấp kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ, hàng không cho mục tiêu phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó là đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy hải sản, trồng lúa và các cây ăn trái, hiện đại hóa nông nghiệp để đối phó biến đổi khí hậu và phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.