Người dân đồng bằng sông Cửu Long khắc phục ảnh hưởng biến đổi khí hậu

(VOV5) - Những năm gần đây, quá trình biến đổi khí hậu tác động xấu đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chính vì vậy, việc tìm ra các giải pháp và áp dụng những mô hình thích hợp nhằm ứng phó kịp thời với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp thiết đối với nông dân ở khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất ở Việt Nam.

 Người dân đồng bằng sông Cửu Long khắc phục ảnh hưởng biến đổi khí hậu - ảnh 1
Đồng lúa khô hạn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Biến đổi khí hậu diễn tiến nghiêm trọng khiến khu vực ĐBSCL đang phải đối diện với những thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Giải pháp khắc phục quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi với những khó khăn do thời tiết gây ra. Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ khoa học, trang bị những kỹ năng cần thiết cho nông dân nhằm hạn chế rủi ro, nâng cao giá trị trong sản xuất lúa. Vào vụ Hè  thu 2016 tới đây, dự kiến nông dân ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,67 triệu ha lúa. Căn cứ vào nguồn nước ngọt và diễn biến của “lưỡi mặn” thời gian vừa qua mà nông dân ĐBSCL sẽ phải bố trí mùa vụ cho từng cánh đồng cụ thể một cách hợp lý nhằm tránh thiệt hại.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Trung tâm khuyến nông quốc gia, đề xuất: “Thứ nhất là phải tính toán bài toán cân bằng nước để từ đó qui hoạch bố trí lại  hệ thống cây trồng vật nuôi phù hợp với bài toán cân bằng nước của điều kiện biến đổi khí hậu. Từ đó chúng ta mới xây dựng một kịch bản, đó là định hướng không để bà con nông dân gieo sạ vào giai đoạn xuân hè vì thiếu nước. Thứ hai là dịch chuyển vụ lúa hè thu, thay vì gieo sạ sớm trong tháng 4, tháng 4 chưa có mưa nên cần dịch chuyển bớt số lượng. Chỉ gieo sạ ở những vùng nội đồng không bị xâm nhập mặn còn những vùng từ biển vào khoảng 80 cây số thì lui lại chờ có mưa, sau đó mới xử lý nước ngọt từ trời mưa để chúng ta gieo sạ tiếp.”

Quá trình biến đổi khí hậu đang khiến cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng to lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Vì thế, việc áp dụng, bổ sung thêm các mô hình sản xuất phù hợp nhằm hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu trở nên vô cùng cần thiết. Bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, các tỉnh cũng khuyến khích sáng tạo những mô hình tại chỗ nhằm giúp nông dân và đối phó thích ứng kịp thời với tính hình biến đổi khí hậu.

Mới đây được sự hợp tác của trường Đại học Cần Thơ, bà con nông dân tại xã An Phúc, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. đã triển khai Mô hình xử lý rác hữu cơ đạt hiệu quả thiết thực. Đây là một trong những mô hình tạo dựng được thói quen, vừa giúp nông dân phân loại rác, ủ phân trong sản xuất nông nghiệp bảo vệ môi trường vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong điều kiện ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu. Nguyễn Văn Hiểu, sinh viên Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Em hướng dẫn người dân phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ. Đối với rác vô cơ thì đem cho vào thùng phi, còn rác hữu cơ thì người dân đào hố cạnh nhà đốt và chôn để ủ lấy phân. Tụi em đã triển khai cho 30 hộ gia đình và một mô hình cho trường học tiểu học. Mô hình này tụi em triển khai đã gần một tháng. Vừa rồi em có xuống dưới khảo sát và kiểm tra thì lượng rác đang trong quá trình phân hủy thành phân và người dân có thể tận dụng nguồn phân hữu cơ đó cho trồng trọt”

Theo kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình vùng ĐBSCL có thể tăng thêm từ 1 đến 3 độ C, nước biển dâng theo kịch bản thấp là từ 66 cm đến gần 99 cm. Khi nước biển dâng cao 1 mét có thể làm 39% diện tích ĐBSCL bị ngập và 35% dân số bị ảnh hưởng.

Chính vì thế, với việc nâng cao trách nhiệm cũng như triển khai những mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay sẽ góp phần làm hạn chế những tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu sẽ gây ra đối với sản xuất nông nghiệp và cuộc sống sinh hoạt của người dân, từ đó hướng đến một môi trường sống sạch đẹp, vì tương lai xanh Việt Nam.

Phản hồi

Các tin/bài khác