Phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay

(VOV5) - Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của cả dân tộc. Từ đó đến nay, các phong trào thi đua thể hiện rõ phẩm chất đạo đức của người Việt Nam, mang lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay - ảnh 1

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua, khen thưởng là động lực phát triển đất nước, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày. Thấm nhuần tư tưởng này, 66 năm qua, tại Việt Nam có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần tạo động lực to lớn, làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.


Thi đua yêu nước để hoàn thành các mục tiêu của sự nghiệp cách mạng
Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại Việt  Nam có các phong trào thi đua lớn như: "Hũ gạo kháng chiến", "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "Tuổi nhỏ chí lớn", "Dạy tốt, học tốt"... Các phong trào này tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực lao động, sản xuất, chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các ngành, các cấp của Việt Nam triển khai nhiều phong trào thi đua lớn như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Hoàng Sa, Trường  Sa thân yêu", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"... Phong trào có vai trò quan trọng để cả dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Mục tiêu của phong trào thi đua yêu nước hiện nay
Việt Nam đang bước vào giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển mạnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh”, để đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam thể hiện đa dạng và phong phú. Trong đó, quan trọng nhất là việc thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong phát triển kinh tế và trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch vững mạnh. Đồng thời với thi đua phát triển kinh tế đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hàng năm cao và bền vững. Tại Việt Nam cũng có các phong trào thi đua phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nội sinh phát huy sáng tạo trong sự nghiệp khoa học và hội nhập kinh tế, coi đó là những nhân tố quan trọng để thúc đẩy mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển lực lượng sản xuất để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Việc thi đua phát triển và thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo lành mạnh cũng được thực hiện nhằm nâng cao mặt bằng dân trí để sớm đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Điều đáng ghi nhận là các phong trào thi đua lan tỏa, rộng khắp trên cả nước, ở tất cả các ngành, các cấp, cùng với việc mỗi cá nhân là những chủ thể của phong trào thi đua yêu nước, nên kết quả đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam là rất hiệu quả, thiết thực.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy thi đua yêu nước là việc làm cần thiết để giải quyết các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước và động lực to lớn góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội phát triển. Các phong trào thi đua yêu nước hiện nay tiếp tục tạo ra động lực tinh thần quý báu, tạo thành sức mạnh tổng hợp, là yếu tố quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của Việt Nam./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác