(VOV5)- Mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ với Afghanistan đang ở thời kỳ không mong đợi. Tiếp sau việc các binh sĩ Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đốt các bản kinh Koran tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Afghanistan, hồi cuối tháng 2/2012, thì hành động xả súng giết hại 16 dân thường, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, của một lính Mỹ, ngày 11/3, đã "tiếp dầu vào lửa", đẩy quan hệ hợp tác chiến lược này xuống mức thấp nhất.
Mặc dù, ngay sau vụ việc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai và cam kết sẽ nhanh chóng điều tra về vụ thảm sát, đồng thời, ngày 12/3, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố, các mục tiêu chiến lược của Mỹ tại Afghanistan sẽ không thay đổi, vẫn giữ cam kết về mục tiêu triệt phá, giải giáp và đánh bại Al Qaeda cũng như huấn luyện người Afghanistan... Tuy nhiên, vụ việc đã đánh đổ những thành trì mà Mỹ và các nước phương Tây đã và đang tạo dựng ở quốc gia Nam Á này.
Ảnh: leparisien.fr
Chỉ hơn một ngày sau vụ việc, làn sóng giận giữ đã thổi bùng khắp quốc gia Afghanistan. Ngày 12/3, Quốc hội nước này ra tuyên bố nêu rõ người dân Afghanistan đã hết kiên nhẫn trước những hành vi của binh sĩ nước ngoài tại đây. Còn Tổng thống Hamid Karzai thì cho rằng đây không khác gì một "hành động giết người và khủng bố" và là một việc "không thể tha thứ". Cùng ngày, phiến quân Taliban ở Afghanistan thề sẽ trả thù "những tên Mỹ tàn bạo bệnh hoạn". Trong một tuyên bố được đăng tải trên trang web Hồi giáo, Taliban tuyên bố sẽ "báo thù những kẻ xâm lược và giết người tàn bạo". Theo một quan chức Chính phủ Afghanistan, vụ việc này có thể làm tổn hại tới những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận chiến lược với Kabul, theo đó cho phép người Mỹ hiện diện lâu dài tại quốc gia này.
Mấu chốt của sự việc xảy ra ngày 11/3 vừa qua. Khi đó, một binh sĩ Mỹ rời khỏi căn cứ quân sự ở Kandahar và xả súng bừa bãi vào người dân hai làng Alokozai và Garrambai làm ít nhất 16 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) do NATO đứng đầu đã bắt giữ người lính này. Tướng John Allen, Tư lệnh các lực lượng quốc tế tại Afghanistan, cũng khẳng định thủ phạm trong vụ việc sẽ bị trừng trị thích đáng. Thế nhưng với dư luận, vụ việc như một "giọt nước tràn ly" thổi bùng lên cơn giận dữ của người dân nơi đây. Bởi sau hơn 10 năm khi Mỹ và phương Tây tiến đánh để lật đổ chế độ Taliban tại Afghanistan, an ninh vẫn chưa được khôi phục. Mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã lan rộng không chỉ từ Afghanistan sang nước láng giềng Pakistan mà còn tới cả các nước Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á. Trên phương diện kinh tế, theo ước tính, Afganistan cần thêm khoảng 10 tỷ USD để hoàn thành quá trình xây dựng đất nước như việc đẩy mạnh khai thác mỏ và mở rộng xuất khẩu, quản lý tài chính và chống tham nhũng quốc gia. Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Thế giới dự báo, sau năm 2014, ngân sách hàng năm của Afghanistan sẽ thiếu khoảng 7 tỷ USD. Quân đội của nước này chắc chắn sẽ không thể chiến đấu nếu không có tiền trợ giúp từ nước ngoài. Trong khi đó, nơi đây đã và đang trở thành "vựa" ma túy của thế giới với 90% cây thuốc phiện được trồng (theo đánh giá của cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc). Còn theo Liên hợp quốc, từ năm 2005-2009, số người nghiện heroin ở Afghanistan đã tăng gấp 3 lên 150.000 người, bên cạnh 230.000 người đang dùng thuốc phiện...
Hiện tại, vụ việc đã phủ bóng đen lên hy vọng vừa nhen nhóm về việc đạt được thỏa thuận mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Afghanistan. Bởi trước đó, hồi đầu tháng 3 này, lãnh đạo hai bên đã đề cập một loạt vấn đề liên quan đến lợi ích song phương như các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược, tiến trình tái hòa giải của Kabul, vốn được coi là chìa khóa giúp giải quyết cuộc xung đột tại quốc gia Nam Á này, tiến trình quân đội nước ngoài tại Afghanistan chuyển giao sứ mệnh đảm bảo an ninh cho lực lượng nước sở tại... Những căng thẳng đã tạm thời lắng dịu sau sự kiện binh sỹ Mỹ đốt các cuốn Kinh Koran, khi Washington ký thỏa thuận chuyển giao nhà tù trung tâm Bagram, nơi giam giữ hàng trăm nghi can khủng bố Al-Qaeda và Taliban, của Mỹ cho chính quyền Afghanistan, hôm 9/3. Và sự việc xảy ra đã tạo ra mối "rạn nứt" không đáng có. Theo dư luận, mối quan hệ này chắc chắn sẽ không được "xuôi chèo, mát mái" trong tương lai gần. Cơn giận dữ của người dân đối với binh lính nước ngoài không thể sớm lắng dịu ngay được. Nguy hiểm hơn, vụ việc đã và đang nhanh chóng bị lực lượng Taliban lợi dụng để kích động người dân Afghanistan chống Mỹ. Do đó, vết rạn trong quan hệ Mỹ-Afghanistan sẽ ngày một loang rộng, đẩy tình hình Afghanistan thêm khó kiểm soát./.