(VOV5)- Năm 2013 là một năm “đầy sóng gió” trong quan hệ Mỹ-Nga. Vẫn còn quá nhiều khác biệt trong lập trường của hai bên về những vấn đề chủ chốt. Song, dù bất đồng nhưng năm 2013 cũng chứng kiến sự hợp tác giữa hai cựu thù thời “chiến tranh lạnh”.
|
Ảnh: internet |
Không chỉ những mâu thuẫn cũ trong quan hệ song phương ngày càng trở nên trầm trọng, năm 2013, cộng đồng quốc tế còn được chứng kiến một loạt bất đồng mới nảy sinh trong mối quan hệ Mỹ-Nga. Từ mâu thuẫn liên quan đến vấn đề gián điệp, vấn đề Syria, đến sự gần gũi trong quan hệ giữa Nga-Ukraine…, khiến quan hệ Washington-Moscow không được cải thiện, nếu không nói là có bước lùi.
Cuộc so găng cân não mới
Khu vực Trung Đông, Bắc Phi, nơi Nga cáo buộc Mỹ và phương Tây đã châm ngòi cho phong trào “Mùa xuân Arab”, đẩy nhiều quốc gia ở khu vực này rơi vào tình cảnh nội chiến kéo dài, tiếp tục là đấu trường để hai cường quốc hàng đầu thế giới thể hiện cuộc đấu trí căng thẳng. Và lần này tâm điểm là Syria. Trong khi Mỹ tuyên bố kiên quyết sử dụng mọi biện pháp, kể cả quân sự, để nhanh chóng hạ bệ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, thì Nga lại kiên định lập trường phản đối việc sử dụng vũ lực để lật đổ Chính phủ hợp pháp của Syria.
Mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ trong cách thức giải quyết vấn đề Syria được đẩy lên đỉnh điểm khi Chính quyền Tổng thống Barack Obama lấy cớ Chính phủ của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học tấn công lực lượng nổi dậy để sẵn sàng can thiệp bằng các hành động quân sự vào quốc gia Trung Đông này. Giữa lúc bầu không khí chiến tranh nóng lên từng giờ, đề xuất của Nga đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế, đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Mỹ và phần nào hóa giải được mâu thuẫn giữa hai quốc gia, đồng thời tránh một cuộc chiến tranh tàn khốc trong gang tấc.
Giọt nước tràn ly
Cái tên Edward Snowden đã trở thành “ác mộng” trong quan hệ Mỹ-Nga năm 2013. Cựu nhân viên tình báo Mỹ này đã tiết lộ hàng loạt tài liệu mật để vạch tội Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ theo dõi tin nhắn, thư điện tử, điện thoại… của lãnh đạo hàng chục quốc gia, trong đó có cả các đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Âu, khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc xuyên Đại Tây Dương rơi vào khủng hoảng niềm tin. E.Snowden đã trở thành “giọt nước tràn ly” khiến mối quan hệ Mỹ-Nga rơi vào thời kỳ băng giá, đặc biệt sau khi Moscow quyết định trao quy chế tạm trú cho E.Snowden, người đang bị Washington truy đuổi với cáo buộc phạm tội phản quốc. Căng thẳng đến mức Tổng thống B.Obama quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống V.Putin đồng thời tuyên bố tạm dừng “tái khởi động” quan hệ với Nga.
Chưa dừng ở đó, sóng gió lại nổi lên trong quan hệ Mỹ-Nga khi cả hai đều tỏ rõ vị thế ảnh hưởng của mình đối với Ukraine. Đáp trả lại chương trình “đối tác phương Đông” do Mỹ và các nước phương Tây soạn thảo, nhằm lôi kéo các quốc gia ở khu vực hậu không gian Xô viết, sự gần gũi thân thiết giữa Nga và Ukraine và việc Ukraine tuyên bố tạm hoãn các cuộc đàm phán về ký kết Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU), đã khiến Washington “nóng mặt”. Tuy không trực tiếp ám chỉ Nga nhưng thông qua hành động cổ súy cho những người biểu tình phản đối chính phủ Ukraine, chỉ trích nước này không kiên định với đường lối liên kết châu Âu, Mỹ đã phát đi lời cảnh báo rằng Nga đang áp dụng chiêu bài lôi kéo các quốc gia “sân sau” để tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực.
Xích lại gần nhau bởi những toan tính chiến lược
Châu Á-Thái Bình Dương đã được cả Washington và Moscow thừa nhận có tầm quan trọng chiến lược, nhất là về kinh tế. Trong khi Mỹ tuyên bố chính sách “xoay trục” của mình ở Châu Á-Thái Bình Dương thì Nga cũng không giấu diếm tham vọng thúc đẩy các cơ chế hợp tác ở khu vực này. Năm 2013 chứng kiến sự can dự ngày càng sâu rộng của Mỹ vào các khuôn khổ kinh tế trong khu vực, với mục tiêu đảm bảo vai trò hàng đầu của mình tại đây. Còn Nga, nhận thấy tiềm năng không thể bỏ lỡ, nước này đang tích cực đàm phán để ký kết một loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước trong khu vực. Những lợi ích to lớn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bắt buộc hai bên phải thay đổi nhận thức, thừa nhận là những đối tác quan trọng của nhau ở khu vực này. Thêm nữa, kiềm chế sự thống trị cả về ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực đều phù hợp với các mục tiêu dài hạn của cả Mỹ và Nga.
Có thể khẳng định rằng hợp tác trong bất đồng là đặc điểm nổi bật trong quan hệ Mỹ-Nga năm 2013. Năm 2014, theo nhận định của các nhà phân tích, quan hệ hai bên vẫn ít có khả năng xuất hiện bước đột phá, bởi những bất đồng giữa hai cường quốc mang tính “ý thức hệ”. Để phá bỏ bức tường nghi kỵ cản trở quan hệ hai cựu thù thời chiến tranh lạnh sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian./.