(VOV5) -Vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria như giọt nước tràn ly đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm.
Quan hệ Washington – Moscow đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Hàng loạt những bất đồng, mâu thuẫn, những tranh cãi, cáo buộc, trừng phạt và trả đũa lẫn nhau vẫn chưa có hồi kết. Những ngày này, các cáo buộc xung quanh vụ tấn công hóa học ở Syria tiếp tục đẩy Mỹ và Nga ở hai đầu đối địch, thậm chí một kịch bản tấn công quân sự đã sẵn sàng. Đến thời điểm này, rất khó để tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự hợp tác giữa hai cường quốc trong tương lai gần.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ( trái) và Tổng thống Nga V.Putin |
Màn đấu khẩu và trừng phạt lẫn nhau liên quan đến vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc chưa kịp lắng thì quan hệ Nga-Mỹ lại tiếp tục rơi vòng vòng xoáy căng thẳng mới liên quan đến nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria.
Cáo buộc dùng vũ khí hóa học tại Syria khiến quan hệ Nga-Mỹ khủng hoảng nghiêm trọng. Trong khi Mỹ cảnh báo sẽ có hành động quân sự đối với Syria thì Nga khẳng định thông tin về cuộc tấn công chỉ là giả tạo và đồng thời cũng sẽ có động thái đáp trả tương tự. Những lời cảnh báo sắc lạnh từ hai phía dồn dập trong 48 giờ qua khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về một cuộc chiến tranh quân sự đã cận kề.
Lịch sử xung đột
Căng thẳng giữa hai quốc gia đối đầu từ thời Chiến tranh Lạnh gia tăng trong những năm gần đây. Cuộc xung đột nghiêm trọng đầu tiên trong quan hệ Nga-Mỹ thời hiện đại diễn ra vào năm 1999 với bắt đầu là sự can thiệp của NATO do Mỹ đứng đầu chống lại Nam Tư. Tiếp đó, bầu khí hậu quan hệ Nga-Mỹ lại xấu thêm bởi chiến dịch chống Iraq mà liên quân thực hiện vào năm 2003 với cuộc xâm nhập của quân đội Mỹ vào Iraq, lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Nga coi đây là sự can thiệp thô bạo và vô trách nhiệm của Mỹ vào cuộc nội chiến Libya với mục đích áp đặt "dân chủ hóa" đất nước này.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 cũng như cuộc chiến giữa Kiev và lực lượng nổi dậy do Kremlin hậu thuẫn xảy ra, sự tin cậy trong quan hệ giữa Moscow và Washington càng bị đổ vỡ nghiêm trọng. Không chỉ còn là các màn đấu khẩu, cả hai bên đều tung những đòn trừng phạt lẫn nhau. Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt về chế độ visa, tiến hành cấm vận tài chính và phong tỏa tài sản của hàng loạt nhân vật thuộc chính giới và doanh nhân cũng như các hãng và ngân hàng của Nga. Moscow cũng chẳng vừa khi hạn chế và cắt giảm hàng loạt các nhà ngoại giao Mỹ tại Nga.
Tổng thống Mỹ sẽ sớm đưa quyết định đáp trả Syria |
Sóng gió trong quan hệ hai nước tiếp tục nổi lên khi gần đây Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Căng thẳng càng leo thang khi hai bên tiếp tục đổ lỗi quy trách nhiệm cho nhau liên quan đến vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh. Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ, đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg nhằm đáp trả việc Mỹ đưa 38 cá nhân và tổ chức của Nga vào danh sách trừng phạt mới. Đặc biệt, một trong những thách đố nghiêm trọng thất bại trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Syria đã đẩy Nga và Mỹ đứng hai bờ chiến tuyến. Một bên là Nga với các đồng minh Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ chính quyền Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad và một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây hỗ trợ phe đối lập Syria chống lại chính quyền Syria. Và vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria như giọt nước tràn ly đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm.
Khó có sự hợp tác trong tương lai gần
Kể từ khi cựu Tổng thống B.Obama và người đồng cấp Nga Medvedev tuyên bố cài đặt lại mối quan hệ tại Điện Kremlin trong cuộc gặp song phương năm 2009, thực tế mối quan hệ Nga và Mỹ chỉ đi theo 2 vòng xoáy: đó là đối đầu và trừng phạt. Sự nghi kỵ, bất đồng ngày càng gia tăng. Nước Nga dường như luôn tỏ một thái độ không khoan nhượng trước những hành động được xem là đe dọa tới không gian an ninh của họ. Còn Mỹ và phương Tây cùng với những biện pháp trừng phạt Nga cũng tỏ ra không chấp nhận một nước Nga hùng mạnh và có khả năng đe dọa tới những kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của mình. Và Syria hay rộng ra là khu vực Trung Đông với vị trí địa-chiến lược quan trọng, cả hai bên đều không muốn đánh mất vai trò ảnh hưởng của mình ở khu vực này.
Trong lúc này, thế giới vẫn đang nín thở chờ phản ứng của các bên tại Syria. Nhiều nguồn tin khẳng định các tàu ngầm tấn công của Anh đã được lệnh tiến vào cự ly phóng hiệu quả của tên lửa nhằm sẵn sàng cho một cuộc tấn công vào Syria.
Trong khi đó, với ít nhất 4 tàu khu trục và 2 tàu ngầm đang có mặt ở gần Syria, Hải quân Mỹ đang có trong tay khoảng 406 quả tên lửa hành trình Tomahawk. Còn quân đội chính phủ Syria và Nga đều được đặt trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ các cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh trên chiến trường Syria. Tất cả đều đã sẵn sàng, chỉ chờ lệnh tấn công phát đi. Trước những diễn biến này, chắc chắn không mong đợi vào một bước đột phá trong quan hệ Nga-Mỹ thời gian tới.